(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

Nhận xét chung, bình thường ở đời này không ai muốn thay đổi, huống hồ là những con người phải trải qua một cuộc sống bất thường ở trong tù. Bởi vì thay đổi làm đảo lộn lối sống quen thuộc thường ngày. Chỉ khi nào có một áp lực bên ngoài, một lý do thật mạnh thúc đẩy, hay một biến cố kinh hoàng xảy ra thì chúng ta mới nhìn lại cuộc sống và tìm cách thay đổi cho tốt hơn, tức là tìm cách cải thiện. Ở trong tù, các tù nhân rất sợ thay đổi (như thay đổi trại tù, thay đổi buồng giam, thay đổi đội hay nhóm, thay đổi chỗ nằm…) Mỗi lần thay đổi là một lần những tù nhân bị tịch thu những thứ mà họ đã mất nhiều công sức tích lũy trong khá lâu. Mỗi lần thay đổi là một lần tù nhân phải bắt đầu xây dựng lại những vòng đai an toàn xung quanh mình, tù nhân phải tìm hiểu, làm quen với những con người xa lạ mà không biết có đáng tin cậy không. Mỗi lần thay đổi là một lần tù nhân cảm thấy bấp bênh, lo sợ nên đành hủy bỏ những mưu toan, những tính toán.

Trùm Cộng Sản Lênin nói với các đồng chí của ông ta đang có trách nhiệm canh giữ các tù nhân ở những trại giam khổng lồ Sibéri rằng : “Các đồng chí phải biết rằng nhiệm vụ của các đồng chí là canh giữ không cho chúng nó trốn thoát, còn nhiệm vụ của chúng nó là tìm mọi cách, ở mọi nơi, bằng mọi phương tiện để trốn thoát”. Ở tuổi ba mươi, tôi đã ấp ủ ước mơ ‘phải vượt ngục’ và trong suốt mười năm tù, tôi chưa hề từ bỏ ước mơ đó, nhưng tôi không thể thực hiện được vì những thay đổi liên tục trong nhà tù. Lúc ấy tôi tin rằng việc vượt ngục là điều Chúa muốn tôi làm để bảo vệ mạng sống mà Chúa đã ưu ái ban tặng cho tôi. Thế mà sau khi chứng kiến bốn cái chết đau thương của bốn vị linh mục ( Nguyễn Luân, Nguyễn Huy Chương, Nguyễn Quang Minh và Nguyễn Văn Vàng), chính tôi đã phải chấp nhận thay đổi ước mơ vượt ngục của tôi.

Bây giờ nhìn lại, tôi tự hỏi nếu không có những năm tháng tù tội ấy, đời tôi không biết sẽ ra sao ? Tạ ơn Chúa đã cho tôi ở tù, vì như thánh Phaolô viết : “Tất cả đều là hồng ân”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thay đổi đầu óc cố hữu của đồng bào Ngài lúc nào cũng quan niệm việc ‘nhân quả trực tiếp’, mà theo quan niệm này thì bệnh hoạn, chết chóc là hậu quả của tội lỗi do nạn nhân đã phạm. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận lối suy nghĩ này. Chết vì thiên tai (tháp Silôam đổ xuống) hay chết vì nhân tai (Philatô ra lệnh giết) chưa hẳn do phạm tội. Những người lương thiện, những trẻ thơ vô tội chết trong các tai nạn thì sao ? Cho nên Chúa Giêsu muốn cho dân chúng biết là đừng vội quyết đoán và cũng đừng nghĩ rằng hễ cứ bị tai họa là do tội lỗi. Thay vì bàn sâu vào nguyên nhân của tai họa, Ngài dùng cơ hội này để nhắc nhở dân chúng. Ngài nhấn mạnh rằng nếu họ không ăn năn sám hối tội lỗi, họ cũng sẽ chết y như những nạn nhân trong các tai họa nêu trên.

Với Chúa nhật hôm nay, chúng ta đã đi vào giữa mùa Chay. Phụng vụ hối thúc chúng ta phải làm công việc quan trọng nhất trong mùa này, là thống hối ăn năn tội lỗi và trở về với Chúa. Trong cả ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta đã thấy lòng từ bi của Chúa đang khẩn thiết mời gọi chúng ta thống hối ăn năn, và để thúc đẩy chúng ta nhận thấy tình cảnh đã khẩn trương, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về cây vả. Chủ vườn muốn chặt nó đi tức khắc, vì đã ba năm rồi, ông đến tìm quả mà không thấy một trái nào. Nếu bài dụ ngôn dừng lại ở đấy, thì chúng ta chỉ thấy tính cách cấp bách của vấn đề hối cải. Nhưng Luca, tác giả của Lòng Thương Xót, đã không dừng lại ở lời ngăm đe sẽ chặt cây của chủ vườn, Luca cho ‘người làm vườn’ đến van xin chủ vườn giữ cây vả thêm một năm nữa, chờ cuốc xới và bón phân như thế nào, không chừng nó sẽ sinh quả, bằng không sẽ chặt nó đi. Nhân vật ‘người làm vườn’ nào mà lạ lùng vậy ? Thưa : Nhân vật ấy chính là Đức Giêsu.

Khi Đức Giêsu nhắc nhở dân chúng phải sám hối để khỏi chết, Ngài không có ý nói về cái chết thể xác. Dựa vào giáo huấn của Ngài ở nhiều chỗ khác trong Tin Mừng, thì cái chết ở đây chính là cái chết muôn đời. Thiên Chúa là một người cha nhân từ nên Ngài rất kiên nhẫn với chúng ta. Ngài cho chúng ta cơ hội và thời gian để hoán cải. Mặc dầu Thiên Phụ rất kiên nhẫn, nhưng cơ hội để sám hối không kéo dài mãi cho đến muôn đời. Mặt khác, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chấm dứt cuộc sống trần thế, nhưng không ai biết lúc nào mình sẽ nằm nhắm mắt xuôi tay. Cho nên, việc ăn năn sám hối cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Trong cả ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta đã thấy lòng từ bi nhân hậu của Chúa đang khẩn thiết mời gọi chúng ta thống hối ăn năn. Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ càng mong muốn chúng ta trở lại với Ngài hơn nữa. Qua những tin tức trên thế giới hôm nay (về dịch bệnh, về chiến tranh), các tin ấy nói với chúng ta về thân phận mong manh của kiếp người. Đó cũng là những dấu chỉ thúc đẩy chúng ta sám hối, cải thiện đời sống để đón nhận ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng ta sinh hoa kết quả theo lòng hoán cải, hầu đem lại lợi ích cho mình và cho tha nhân. Linh mục Phạm Quang Hồng.

Trân trọng
Ban Truyền Thông