(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Lúc còn ở trong tù, mỗi lần chuyển trại hay đổi nhà là một lần tôi ý thức rõ nét nhất về cái’nghèo’ của thân phận một người tù. Tôi xách trên tay cái giỏ lác trong đó có hai bộ đồ cũ rách, một cái chén bằng plastic, một đôi đũa, một cái thìa bằng nhựa và một bàn chải đánh răng đã bị bẻ gảy cán. Chân mang một đôi dép râu và đầu đội một cái nón tự may lấy hoàn toàn không ‘đụng hàng’. Dĩ nhiên còn vài ‘món quốc cấm’ thì phải liệu giấu cho kỹ kẻo bị tịch thu đã đành mà còn mang hoạ vào thân. Sau nầy tôi giàu hơn vì có một cái xô bằng nhựa để chứa nước do Nhà Dòng gửi vào. Đó là cả gia tài của người tù mà tôi tin rằng ở trên đời nầy không ai nghèo hơn.

Tôi nhìn các vị linh mục lớn tuổi trong đội 10 của tôi mà hết lòng thương mến và cảm phục vì không thể tìm ra bất kỳ ai trên đời nầy mà hiền lành bằng các đấng ấy. Vì tuổi già sức yếu nên lao động không đúng chỉ tiêu, các vị ấy bị những tên cán bộ tuổi đời chẳng là bao mà láo xược chửi mắng xỉa xói mày tao khó nghe lắm, thế mà các ngài vẫn mỉm cười vui vẻ. Rồi tôi nhìn những tù nhân quanh tôi, ai cũng có những nỗi sầu khổ của riêng mình mà không cần phải nói ra vì tất cả những tâm sự sầu khổ ấy đều hiện lên trên gương mặt. Có những tù nhân vì không còn hy vọng thoát khỏi những nỗi khổ ấy nên đã tự giải quyết bằng cách kết liễu đời mình, hay những vị khác vì buồn quá, thất vọng quá, không còn tìm ra lý lẽ để sống… nên sinh bệnh mà chết.

Người tù nào mà chẳng khao khát hai chữ “Tự Do”. Các anh em ‘tù hình sự’ (nhất là những em không hề có bản án) khao khát tự do bao nhiêu thì những vị ‘tù nhân lương tâm’ lại càng khao khát tự do bấy nhiêu, kèm theo là nỗi khao khát cho một quê hương sớm thoát ách độc tài đảng trị, cho đồng bào sớm được hưởng một cuộc sống xứng với nhân phẩm, được ấm no hạnh phúc trong một xã hội mà nhân quyền được tôn trọng.

Có lẽ không có nơi nào mà con người bị bách hại cho bằng ở trong tù nhất là trong các nhà tù cộng sản. Chính ở trong trại tù A 20 mà tôi học thuộc lòng bài hát do các vị ‘tù nhân lương tâm’ sáng tác rồi truyền khẩu cho nhau, một bài hát không có tựa đề mà tôi còn nhớ như sau : “Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm lần lượt đi trên giàn lửa thiêu. Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm héo hắt đi trong cơn giao mùa. Này vì đâu ? Nầy vì đâu mà xương máu ngất núi ngất núi ! Trên quê hương dẫy đầy ngục tù ! Kiếp sống nầy như loài cỏ cây !… Sao chúng tôi không có quyền lên tiếng nói. Vì cuộc đời, đời đáng sống. Vì tình người, nguồn yêu đương cho ngàn năm anh dũng ? Sao chúng tôi phải gục đầu, phải gục đầu, phải hy sinh cho ngoại quyền, phải hy sinh cho chủ nghĩa cho danh từ trống không ?” Đã có những tù nhân bị bách hại đến chết vì đã sáng tác những bài hùng ca như thế.

Nhìn lại những năm tháng gian lao khổ ải như vậy mà sao lòng tôi lại cảm thấy đó là giai đoạn bình an và hạnh phúc nhất trong đời tôi, không hiểu vì sao nhưng rõ ràng là vậy. Có lẽ, khi không còn vật chất để bám vào, không còn quyền hành và địa vị để tranh đua, nhất là hằng ngày nhìn thấy kiếp người sao quá mong manh, phận người sao quá phù du, thì chính tôi bắt đầu quay vào bên trong chính mình và chú ý nhiều hơn vào cái “TÂM”.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật nầy Chúa Giêsu tiên báo về sự tàn phá của thành Giêrusalem. Chúa nhắc mỗi người chúng ta rằng mọi thứ trên đời này sẽ bị hủy diệt tiêu tan. Chúa cũng nói về những điềm báo trước những sự việc ấy. Điều chắc chắn là mọi vật chất sẽ bị hủy diệt, cho nên vật chất chỉ đem lại khoái lạc chứ không đem lại hạnh phúc. Hạnh phúc đến tự cõi lòng của mình và không thể gò bó hay giam cầm hạnh phúc trong vật chất hay môi trường chật hẹp nào. Chúa mở mắt cho chúng ta thấy “Hạnh Phúc chủ yếu tự TÂM mình mà ra”. Chìa khóa hạnh phúc là biết đánh giá cao từng công việc dù rất tầm thường nhưng thực hiện với tình yêu, và nhất là biết tận hưởng từng giây phút hiện tại sống trong tình yêu thương . Hạnh phúc không hẳn là một trạng thái kéo dài trường tồn nhưng là sự kết hợp muôn vàn niềm vui nho nhỏ. Hạnh phúc là hương vị của từng giây phút sống trong tình thương của Chúa và tình thương yêu đối với tha nhân. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 2901017.docx