LÁ THƯ MỤC VỤ
Ai có ở tù mới hiểu thấu câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong nhà tù cộng sản, ‘đói’ là điều đương nhiên xảy ra vì đó là chủ trương được cộng sản áp dụng để ‘điều kiện hoá’ các tù nhân theo Pavlov, hay ít ra là để tiêu diệt những phần tử không theo chính sách của họ mà hành vi giết người cách tinh vi như thế lại được che đậy rất khéo léo. Vâng, tôi đã biết đói là thế nào, tôi đã nếm sự mệt nhọc lạ lùng của cơ thể khi đói.
Sau khi bị tai nạn té xuống giếng (đã tường thuật trước đây), tôi rơi vào tình trạng thê thảm chưa từng nếm trong đời tôi nói chung và đời tù nói riêng. Tôi bị liệt hai chân, mỗi lần xoay người hay ngồi lên là cột sống đau buốt như có trăm ngàn mũi kim chích bên trong. Phải nằm liệt trong góc nhà, vệ sinh cá nhân phải nhờ các anh em đồng cảnh trợ giúp. Vốn đã đói triền miên, chỉ trông chờ mỗi khi đi lao động khổ sai, nhặt được cọng rau hay vớ được con nhái thì hôm ấy đỡ khổ. Nay phải nằm lì một chỗ, làm sao xoay sở để ‘cải thiện’ cái dạ dày đây ? Đã vậy, cộng thêm cái đau kinh khủng mỗi lần cựa quậy, nhiều lúc tôi thất vọng tự hỏi ‘chẳng lẽ tôi biến thành thân tàn ma dại suốt đời ? Quá thất vọng nên đã có lúc tôi thầm thỉ xin Chúa cho tôi được chết.
Nhưng sự quan phòng của Chúa thật diệu kỳ, giữa lúc tôi đau khổ như thế Ngài phái một ‘thiên thần’ đến nâng tôi lên. Anh Trương Quốc Bảo, Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, một Kitô-Hữu nhiệt thành, một tù nhân với bản án chung thân vì sau khi cải tạo về lại tham gia Mặt Trận Liên Bang Đông Dương chống cộng. Anh xuất hiện thật đúng lúc như món quà vô giá Chúa trao cho tôi. Tôi thì đang bại liệt, anh Bảo chẳng khá gì hơn vì bản thân anh cũng là thương phế binh, một tay bị hư, một mắt bị mù, thân thể đầy những vết sẹo của một thời dâng hiến mạng sống cho quê hương cho đồng bào. Thế là một thương phế binh chăm nuôi một tù nhân bại liệt.
Buổi chiều đầu tiên anh đến với tôi cầm theo một bát canh rau dền gai mà anh vừa mới nấu. Anh chỉ nói vỏn vẹn mấy chữ “Ăn đi mà sống sót”. Tôi cố ngồi dậy để thưởng thức bát canh chỉ có mấy cọng dền gai với nước sôi nhưng ngon nhất trong đời. Anh Bảo cũng là tù ‘mồ côi’ chỉ trông cậy vào lòng hào phóng của Tạo Hoá qua mọi vật trong thiên nhiên mà mưu sinh. Từ ngày đó cho đến lúc Chúa chữa tôi lành, anh âm thầm giúp tôi vô điều kiện vì tôi có cái quái gì mà đền đáp cho anh đâu ! Tôi tạ ơn Chúa và mang ơn anh suốt đời.
Tôi mạo mụi so sánh lòng nhân ái của anh Bảo với sự quảng đại của hai bà goá nghèo nàn trong bài đọc I và trong bài Tin Mừng Chúa Nhật nầy, vì cả ba người đều hành động vì lòng yêu mến. Hai bà goá nghèo được đề cao không phải vì số tiền bạc hay của cải mà các bà dâng hiến, nhưng vì hành động của các bà phát xuất từ một trái tim rộng mở và từ một tình yêu quảng đại và không hề tính toán. Vậy thì, chính tình yêu sẽ giúp chúng ta định hình cho lối sống của mỗi người. Chính tình yêu sẽ giúp con người biết đối xử với nhau thế nào cho hợp với giới luật ‘kính Chúa yêu người’ và hợp với lẽ phải. Yêu thương là sẵn sàng cho đi mà không đòi hoàn trả, là chia sẻ mà không so đo tính toán, là dấn thân làm việc nghĩa mà không ngại gian nan.
Phụng vụ Lời Chúa tuần nầy giúp chúng ta suy nghĩ về những gì sâu kín bên trong con người. Hai bà goá nghèo đã phô bày tấm lòng quảng đại của họ và được ghi nhận như mẫu gương để chúng ta noi theo. Lòng nhân ái sẽ giúp con người vượt qua mọi rào cản về tôn giáo hay văn hoá để đến với tha nhân bằng trái tim yêu thương chứ không ở đầu môi chót lưỡi hay cử chỉ bên ngoài. Cũng trong bài Tin Mừng Chúa Nhật nầy, Chúa Giêsu lên án những cách sống giả hình, phô trương. Dưới cái nhìn của Ngài, tâm tình nhân ái bên trong mới là điểm chính yếu làm nên giá trị một con người. Nên nhớ, cuối cuộc đời ai cũng sẽ bị xét xử về cách sống nhân ái của mình. Nếu chỉ dựa trên việc siêng năng dự lễ đọc kinh thì chưa đủ để kết luận là một Kitô-Hữu tốt. Điều quan trọng hơn cả là tấm lòng của mỗi người với Thiên Chúa và với người khác như thế nào. Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều mang một sứ mệnh, đó là loan báo tình yêu thương của Thiên Chúa cho người khác biết, và để chu toàn sứ mệnh cao quý ấy, không gì bằng trao tặng cho người khác những cử chỉ yêu thương. Hãy mang đến cho người khác niềm vui và sự bình an. Linh mục Phạm Quang Hồng