LÁ THƯ MỤC VỤ
Trong khoảng thời gian hơn 8 năm, từ lúc 28 đến 36 tuổi, tôi hoàn toàn không nhìn thấy tờ giấy bạc ở ngoài đời
ra làm sao và cũng không có nhu cầu tiêu xài tiền bạc chi cả, đó là giai đoạn 8 năm đầu trong tù. Về sau, trại tù
cho nhận tiền gia đình gửi vào, nhưng tù nhân không được phép giữ riêng mà phải gửi vào cái gọi là ‘sổ lưu ký’
và mỗi lần trại bán đường hay cá thịt thì ra rút tiền mà mua. Ở đời, thiên hạ thường xem cách tiêu tiền để biết ai
phú quý ai cùng đinh, trong tù tuy không có sự hiện diện trực tiếp của ‘tiền’ nhưng sự phân biệt gia cấp giàu
nghèo cũng rất rõ qua số lượng quà cáp gia đình thăm nuôi gửi vào. Ở tù đã cùng cực lắm rồi, thế mà trong cái
xã hội thu nhỏ của nhà tù, những tù nhân không có gia đình thăm nuôi chính là giai cấp cùng đinh nhất !
Người tù chấp nhận lùi về kiếp tiền sử khi con người trao đổi với nhau bằng ‘hiện vật’, kẻ đem trái bầu đổi lấy
trái bí, người đem con cá đổi lấy bó rau…Dần dần tiến bộ hơn, người tiền sử quy định ra giá cả và dùng cái gì
đó để đo lường, ví dụ trái bí tính bằng 3 cái vỏ sò, con cá tính bằng 5…ai có 6 vỏ sò có thể mua về 2 trái bí. Thế
thì trong tù cũng vậy, người tù có hệ thống tiền tệ riêng, đó là những điếu thuốc lá, những ‘bi’ thuốc lào, những
‘tán’ đường thẻ. Như tôi đã tường thuật cách đây không lâu, có một giai đoạn tôi cũng trở thành một thứ ‘tiểu tư
sản’ trong tù, vì nhờ cái tài vẽ vời Chúa cho, tôi làm ăn khá lắm, có lúc đã sở hữu gần một ký lô đường thẻ ! Vẽ
hình long phụng gì đó lên một cái áo thì được thù lao 1 tán đường ; vẽ hình hoa hồng hay hoa mai hoa đào lên
vỏ bình thuỷ thì được trả công 3 tán đường. Tôi dùng 10 tán đường để ‘mua’ 1 lon (sữa bò) gạo, ăn cho thoát
đói. Nhìn vào số lượng đường tôi có, đương nhiên anh em tù nhân phân loại tôi thuộc hạng ‘trung lưu’.
Câu : “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” đúng làm sao ! Ngoài đời, kẻ lắm tiền nhiều của thì giao tiếp với những
người nhà cao cửa rộng, trong tù người có thăm nuôi thì giao tiếp với những người có thăm nuôi. Trong những
mối tương quan ấy, người ta nhìn nhau rồi so sánh : Giàu sang đến đâu cũng vẫn thấy có kẻ khác sang giàu hơn
mình. Khi so sánh như vậy ai cũng thấy mình còn ít hơn người khác, lúc nào cũng vẫn thấy kẻ khác hơn mình.
Nghĩa là trong cái thế giới của những người giàu, ai cũng cảm thấy mình vẫn còn nghèo. Trong cái thế giới tù,
những người có thăm nuôi vẫn có khuynh hướng thấy gánh thăm nuôi của người khác luôn nặng hơn và ‘chất
lượng’ hơn gánh của mình. Trong lòng ai cũng phảng phất một nỗi buồn, thế mà người ta vẫn yêu cái buồn đó.
Tiền bạc có khả năng thỏa mãn nhiều mơ ước. Mơ ước thì không bao giờ dừng, có một thì ước mơ có hai, có
hai lại ước muốn có nhiều, có nhiều thì ước mơ có cái tốt nhất, có cái tốt nhất lại ước mơ có cái ‘không đụng
hàng’. Cuộc chạy đua đó khiến con người phải kiếm thêm tiền mà không ngừng nghỉ được. Có tiền lại càng yêu
tiền, mà càng yêu thì lại càng muốn giữ chứ không muốn chi ra. Để thỏa mãn ước mơ thì cần tiền, nhưng mất
tiền thì tiếc nên mơ ước cứ còn đó, không thực hiện được. Từ đó, tiền trở thành ước mơ chứ không phải dùng
tiền để thực hiện ước mơ. Lúc ấy tiền đương nhiên trở thành ‘ông chủ’, mà là một ông chủ rất tồi, còn kẻ có tiền
lại nai lưng ra tự nguyện làm nô lệ cho tiền, lắm khi suốt cả cuộc đời không thoát ra được !
Của cải và tiền bạc tự nó không là con đường buồn rầu, nhưng cái cảm giác phải mất nó mới tạo ra nỗi buồn.
Người thanh niên trong bài Tin Mừng Chúa Nhật nầy đã “…sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có
nhiều của cải ”. Đứng trước sự lựa chọn, anh ta đã chọn chẳng thà không có sự sống đời đời , còn hơn mất đi
những của cải mà anh đã mất bao nhiêu năm làm lụng tích cóp giờ phải đem chia cho những người nghèo. Thật
ra anh ta không còn tự do để chọn lựa vì đã bị ‘ông chủ tồi’ kia sai khiến bảo anh phải tuần phục ông ta ! Từ
giây phút ‘bỏ đi buồn rầu’ đó, không biết anh ta sẽ buồn rầu bao lâu. Chẳng lẽ suốt đời cứ buồn rầu ?
Tự do là món quà quý giá nhất Thiên Chúa trao ban cho mỗi người, đánh mất tự do là đánh mất tất cả. Ai không
còn tự do để lựa chọn là tự nhốt trái tim mình trong một ngục tù, không để cho nó tiếp nhận những chân trời
tươi đẹp khác, mà cái chân trời tươi đẹp nhất chính là ‘sự sống đời đời’ mà lòng ai cũng ước mơ.
Linh mục Phạm Quang Hồng