LÁ THƯ MỤC VỤ
Từ lúc mới lớn cho tới khi bị tống vào ngục, tôi rất thường nghe bà ngoại và má tôi trách mắng “con ở dơ như tù”, khiến tôi cứ đinh ninh cho rằng ở trong tù chắc là dơ bẩn lắm. Nhưng khi vào tù rồi tôi mới thấy không phải vậy. Nói riêng trong 2 buồng giam mà tôi ở lâu nhất trong giai đoạn tạm giam là phòng 2 khu B (trại T4 Phan Đăng Lưu – Bà Chiểu) và phòng 9 khu BC (nhà giam Chí Hòa), cách sống và sinh hoạt tại 2 nơi nầy đã cho tôi thấy rõ ràng là “tù không ở dơ” tí nào ! Mỗi tuần các tù nhân luân phiên nhau rửa phòng 2 lần, không phải chỉ rửa qua loa chiếu lệ mà là kỳ cọ thật kỹ từng ly từng tí. Biết rõ các tù nhân cần nước để giữ vệ sinh trong phòng hầu tránh các chứng ghẻ, nên các cai tù có chủ trương rất rõ khi họ áp dụng lý thuyết “Phản Xạ Có Điều Kiện” của nhà sinh lý học Pavlov. Chẳng hạn nếu phòng nào có ‘vấn đề’ thì họ ‘cúp’ nước (cả nước uống lẫn nước dùng). Họ sẵn sàng áp đặt các biện pháp chế tài bên ngoài để điều khiển cái tâm lý bên trong của những tù nhân. Nhưng mãi cho đến hôm nay, vì con người khác xa với con vật nên họ không thành công.
Thế giới đều biết Ivan Pavlov, người được mệnh danh là nhà “Sinh Lý Học Bậc Nhất” của thế giới, chào đời ngày 14 tháng 9 năm 1849 tại Ryazan, nước Nga. Ông là người sáng tạo ra học thuyết duy vật về hoạt động thần kinh cấp cao và ông được trao giải thưởng Nobel về Sinh Lý và Y Khoa năm 1904. Chính Pavlov đã thí nghiệm về phản ứng sinh lý của loài chó dựa trên những đièu kiện được lặp đi lặp lại nhiều lần. Người cộng sản là bậc thầy áp dụng lý thuyết nầy khi cai trị tập thể quần chúng, đặc biệt là trong các nhà tù. Họ áp dụng phương sách dùng dạ dày để ép buộc con người phải vâng lời, nhưng đó chỉ là những vâng lời giả tạo thôi.
Cách đây không lâu, trong một lần thuyết pháp, một Phật tử lên tiếng hỏi thầy Thích Pháp Hòa rằng : “Bạch Thầy, sau khi nghe Thầy thuyết giảng, tôi và gia đình quyết định từ nay cả nhà sẽ ăn chay trường. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến rằng tôi có nên vất đi tất cả các nồi niêu xoong chảo đã dùng để nấu nướng từ trước đến giờ không ? Vì những thứ ấy lâu nay đã bị nhiễm thức ăn mặn ? Tôi có nên thay đổi toàn bộ những dụng cụ trong bếp không ?” Câu trả lời của thầy Thích Pháp Hòa khiến tôi chẳng những ngạc nhiên mà khâm phục thầy sát đất. Thầy mỉm cười và từ tốn lý giải : “Trước khi thay đổi nồi niêu xoong chảo, xin Chư Vị hãy thay đổi ‘bộ đồ lòng’ của Chư Vị trước đã ! Vì những bộ phận ấy đều đã bị nhiễm mặn lâu nay !” Thái độ của những Phật tử này cho thấy họ chỉ chú trọng các hình thức bên ngoài mà quên sót việc xây dựng tâm hồn bên trong. Thầy Thích Pháp Hòa khuyến khích họ chú trọng đến nội tâm hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Biệt Phái và các Kinh Sư chất vấn Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Ngài không rửa tay trước khi ăn uống theo như lề luật đã quy định. Đối với họ, đó là truyền thống phải giữ. Mọi thứ đều phải được tẩy sạch bằng nước để tránh cho bản thân khỏi bị ô uế, dơ bẩn. Đây không phải chỉ là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân mà còn nhắm đến vấn đề liên quan đến việc phụng tự nữa. Người Do Thái tự nhận mình là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, thuộc về Chúa nên tự cho họ là ‘Dân Thánh’. Vì vậy, những gì thuộc về phàm trần đều có thể làm cho họ ra ô uế, không còn thánh thiện nữa. Và khi không còn thánh thiện thì không đủ tư cách để đến gần Chúa trong các sinh hoạt thờ phượng. Từ đó, việc rửa sạch mọi thứ đồ dùng và các phần thân thể đụng chạm tới những gì trần tục là điều rất cần thiết để giữ gìn họ trong tình trạng ‘thánh thiện’ hầu có thể tham dự các sinh hoạt phụng tự.
Có một điều quan trọng mà những người Biệt Phái và các Kinh Sư không để ý hoặc cố tình không nghĩ tới, đó là sự thanh tẩy tâm hồn. Sạch sẽ bên ngoài nhưng dơ bẩn bên trong thì chưa phải là hoàn toàn thánh thiện. Đó chỉ là sự giả hình hay thánh thiện nửa vời mà thôi. Giống như trường hợp một trái dưa hấu bên ngoài sạch đẹp, nhưng bên trong đã ung thối thì đâu còn giá trị gì nữa. Chúa Giêsu đã từng lên tiếng quở trách những người Biệt Phái và các Kinh Sư, Chúa không ngần ngại ví họ như những mồ mả tô vôi thật đẹp bên ngoài nhưng lại thối tha mục rửa bên trong. Lời trách mắng ấy nặng lắm nhưng họ lại bỏ ngoài tai !
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định rằng những gì từ bên ngoài vào không làm cho con người ra dơ bẩn xấu xa về tư cách làm người. Chúa cho thấy rõ là những gì từ lòng dạ con người xuất phát ra sẽ làm cho con người ra thanh sạch hay dơ bẩn. Những tư tưởng tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng…tất cả đều từ bên trong lòng dạ con người mà ra và sẽ khiến con người ra ô uế. Ngược lại, những tư tưởng nhân ái, khiêm cung, thanh tịnh, tiết độ, hiền hòa… sẽ làm cho con người nên thiện hảo và càng ngày càng trở nên “giống Cha Trên Trời” hơn, và đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Máthêu (5 : 48).
Linh mục Phạm Quang Hồng.