(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Khi tiếp xúc với các bậc phụ huynh và ngỏ ý mời các vị ấy cộng tác trong việc giáo dục và nuôi dưỡng đức tin cho con cái, chúng ta thường nghe câu trả lời sau đây : “Đó là công việc của các linh mục và các tu sĩ nam nữ, hay của các trường tư thục Công Giáo. Còn chúng tôi, làm sao có đủ kiến thức và khả năng để dạy !” Chính tôi cũng đã từng trả lời như vậy khi có vị linh mục ngỏ ý muốn tôi giúp ngài dạy giáo lý dự tòng cho một người bạn tù vì ngài đang bận giúp hai tù nhân khác. Tôi chần chừ mãi mới nhận lời. Chuyện xảy ra là :

Sau thời gian bị cùm trong biệt giam ở Thủ Đức, tôi bị chuyển xuống trại T4 Phan Đăng Lưu (trước chợ Bà Chiểu), tôi cảm thấy thoải mái hơn vì được nhốt trong buồng 2 khu B với nhiều tù nhân khác Đây là giai đoạn tôi được sống kề cận linh mục Giuse Tiến Lộc (Dòng Chúa Cứu Thế) nhiều tháng ngày nhất và cũng là thời gian tôi học hỏi thật nhiều điều từ vị linh mục nầy (tuy trong buồng cũng có sự hiện diện của ba vị linh mục khác nữa). Trong buồng giam, Cha Tiến Lộc chẳng những hoạt bát mà còn hoạt náo cho hết mọi người trong buồng (để quên đi những lầm than trong cảnh tù). Ngài không loại trừ ai, vâng, tôi dám nói là ‘không trừ ai’, từ những em tù hình sự, đến những đảng viên Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân Quốc, đến những bác cựu viên chức của chính phủ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, cho tới những anh tù vượt biên hay phản động, đến các nhà ‘tư sản mại bản’ miền Nam, và nhất là đến cả các đảng viên và cán bộ tha hóa bị bắt vào tù vì tham nhũng hối lộ. Đúng như tôi nhận xét, Cha Tiến Lộc không trừ một ai, Cha tiếp xúc, thăm hỏi, trò chuyện…..

Trong thế giới thu hẹp của buồng giam, biết ai là bạn ai là thù, nhất là làm sao biết kẻ nào cam tâm làm chó săn hay làm‘ăn-ten’để rình mò nghe ngóng hầu báo cáo lập công với hy vọng sớm được thả về (dù là hy vọng hoàn toàn ảo mà thôi) ? Phần lớn người tù chủ trương ‘ráng nhắm mắt qua cầu’, chịu khó nhẫn nhục, nằm yên chờ thời, đừng nói đừng tiếp xúc với bất kỳ ai để khỏi mang họa vào thân, Đó là thái độ cẩn trọng và khôn ngoan, không ai kết án đó là hành vi ích kỷ. Trong cái xã hội thu nhỏ của buồng giam, nên sống theo triết lý ‘Ba Con Khỉ’(một con bịt mắt, một con bịt tai và một con bịt mồm), sống như lúc nào cũng không thấy, không nghe và không nói. Như thế sẽ được yên thân. Cha Tiến Lộc thì ngược lại với cái triết lý ấy, hình như Cha không e sợ chi cả, cứ tuân theo ‘Lời Hứa Hướng Đạo’ mà sống, đó là : “Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào”.

Vì cái máu âm nhạc lúc nào cũng lưu thông trong huyết quản, Cha Tiến Lộc mở lớp dạy “Solfège’ (xướng âm pháp theo các ký tự nốt nhạc) dĩ nhiên là dạy miễn phí. Có tay ‘ăn-ten’ nào đó báo cáo lên ban giám thị rằng Cha đang dạy những bài hát tiếng nước ngoài nên Cha bị kêu lên an ninh trại ‘làm việc’ (tiếng lóng trong tù có nghĩa là bị lôi đi hỏi cung). Cha trở về buồng giam bình an vô sự với nét mặt hân hoan. Cha kể lại : Cán bộ an ninh đập bàn quát hỏi :”Mầy phổ biến cái bài ca gì mà toàn tiếng nước ngoài, nào là đồ rê mi pha sol…nó có ý nghĩa gì, hả ? Mầy có biết đó là điều cấm kỵ trong nội qui không ?” Thật tội nghiệp cho những kẻ dốt (từ cán bộ cho đến ‘ăn-ten’!) Cha chưa biết giải thích làm sao cho kẻ dốt tin lời mình nói, thì may nhờ viên thiếu úy trưởng khu tên Việt (người miền Nam) rất mê chơi đàn guitare, nói cho an ninh trại biết rằng đó chỉ là những ký âm quốc tế dùng trong âm nhạc. Thế là Cha Tiến Lộc thoát nạn, về buồng giam tiếp tục dạy.

Với Thiên chức linh mục- nhất là linh mục theo môn phái thánh An-Phong – nên Cha Tiến Lộc không thể ngồi yên khoanh tay trước cái thửa ruộng be bé là mấy chục sinh mạng trong buồng giam. Cha xông pha vào cánh đồng truyền giáo thật hăng say và thật liều lĩnh. Cha giới thiệu đạo yêu thương của Chúa Giêsu cho cả các cán bộ và đảng viên cộng sản. Họ có chấp nhận hay không là việc Chúa làm, còn phần Cha, Cha đã làm hết sức mình để thực hiện mệnh lệnh Chúa truyền : “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân…” Tôi nhắc lại, trong buồng có tất cả bốn vị linh mục, nhưng theo tôi, chỉ có Cha Tiến Lộc là vị thừa sai liều mạng nhất.

Cộng việc rao giảng Tin Mừng là một trách nhiệm thường xuyên của Giáo Hội qua biết bao thời đại khác nhau. Bao lâu còn có con người trên thế giới thì bấy lâu công việc rao giảng Tin Mừng còn tiếp diễn, bởi vì mọi người đều là con cái Chúa và cần có cơ hội lắng nghe sứ điệp đức tin. Chúa Giêsu đã khởi đầu, các Tông Đồ tiếp tục và Giáo Hội cũng thừa kế trách nhiệm nầy từ ngày ấy cho đến nay. Thái độ quan trọng mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta là sống phó thác vào Chúa và đừng quá lệ thuộc vào vật chất, bởi lẽ,việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi sự chú tâm và thời gian. Hơn nữa, tinh thần phó thác sẽ giúp chúng ta có được tự do và can đảm để làm chứng nhân cho Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho các bậc phụ huynh và cho nhau để mỗi người thực sự là những ngôn sứ của Chúa, là những thừa sai nhiệt thành rao giảng về đạo yêu thương của Chúa Giê su cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 11-07-2021.doc