LÁ THƯ MỤC VỤ
Cổ nhân có câu : “Vạn sự khởi đầu nan”, tôi nghĩ áp dụng vào trường hợp nào cũng đúng. Ba ngày đầu bị tống vào tù vốn đã khó khăn vì chưa bao giờ nếm mùi nhà lao nên dĩ nhiên tôi hoang mang sợ hãi, đã vậy còn bị quăng vào ngục tối nên càng chới với và lo lắng hơn. Trong cơn tuyệt vọng ấy vị giáo sư họ Trần đạo mạo xuất hiện như một vị cứu tinh (tôi đã tường thuật trước đây) và vì ông lần chuỗi Mân Côi suốt ngày rồi động viên tôi tham gia với ông nên tôi quá ngây thơ tin tưởng vào lòng đạo đức của ông. Đến khi khám phá ra ông bán đứng tôi vì khi bị lôi ra hỏi cung, những gì tôi tâm sự với ông thì cán bộ Lê Canh biết rõ từng chi tiết. Cái bài học cay đắng đầu đời tù ấy khiến tôi sợ hãi thu mình lại để khỏi trở thành nạn nhân của một vụ lường gạt khác nữa.
Đến khi bị quăng vào một buồng giam tập thể, tự nhiên cái phản ứng của tôi là phải rút vào một pháo đài để thủ thế cho yên tấm thân. Tôi không đụng chạm tới ai để không ai đụng chạm tới tôi ! Thái độ tiêu cực ấy khiến tôi nhớ lại những gì nhà văn Elie Wiesel đã mô tả trong tác phẩm của ông viết về trại huỷ diệt Auschwitz của Đức Quốc Xã. Những người lính SS của Đức luôn miệng nhắc đi nhắc lại rằng : “Nếu chúng mày muốn sống sót trở về thì hãy quên hết mọi người, mọi bạn hữu, kể cả những người thân trong gia đình. Hãy tập trung lo cho chính mình mà thôi ! Đừng quan tâm lo lắng đến bất kỳ ai, cũng đừng tin ai, nhất là đừng kết bạn với ai, mà hãy yêu thương chính mình mà thôi !”. Điều đó có thật sự giúp cho người tù sống sót trở về hay không sẽ bàn sau.
Trong ngục tù cộng sản tôi không nghe những lời giáo đầu như trên, nhưng trên thực tế, chính sách và kỹ thuật giam giữ tù nhân của cộng sản tinh vi, thâm độc và tàn ác hơn Đức Quốc Xã bội phần mà tôi đã kể rất nhiều lần rồi. Quả vậy, cộng sản đã đạt đến mức ‘sư tổ’ trong việc cô lập và chia rẽ các tù nhân khiến không ai tin ai, không ai dám giúp ai, không ai dại dột kết thân với ai. Ai có lòng hảo tâm chia sẻ cơm áo cho kẻ bần cùng hơn sẽ bị cùm trong biệt giam dưới tội danh là dùng vật chất mua chuộc để kết bè kết lũ tạo phản. Cha Nguyễn Huy Chương bị cùm trong biệt giam chỉ vì cha chia quà thăm nuôi cho các anh em tù mồ côi ! Cha Nguyễn Tiến Khẩu cũng bị cùm với lý do tương tự. Thế thì ai mà dám ‘thương’ ai chứ ? Nhưng chủ trương đó hoàn toàn sai !
Hãy nghe nhà văn Elie Wiesel nhận xét : “Bọn SS đã nói sai sự thật ! Những tù nhân sống ích kỷ chỉ chăm lo chính mình lại ít có cơ hội sống sót trở về hơn những kẻ dám sống cho một tình cảm nào đó, chẳng hạn tình bạn, tình gia đình, tình yêu tổ quốc, tình cảm tôn giáo…Nghĩa là nhờ những gì dám xả thân cho đi mà cơ hội sống sót lại gia tăng”. Thật vậy, lòng ích kỷ giam hãm chúng ta lại trong một cái chuồng chật hẹp, nó dựng lên đủ thứ rào cản để không cho ta giao tiếp với ai. Trong khi đó, mỗi lần quên mình vì yêu thương thì một lớp rào bị phá tan để dần dần giải thoát ta khỏi cảnh giam cầm giúp ta khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống thật cao đẹp và từ đó giúp ta yêu đời hơn. Đó chính là động cơ giúp người tù hăng hái mưu sinh để sống còn.
Bắt đầu yêu thương là lúc bắt đầu sống có ý nghĩa. Từ chối yêu thương là một hình thức tự kết liễu cuộc đời. Yêu thương và biết mình được thương yêu chính là nguồn năng lực vô biên. Chính vì vậy mà tôi đã từng nghe “Nơi nào có tình yêu chân chính, nơi đó phép lạ sẽ xảy ra”. Tình yêu là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, là năng lực bồi dưỡng tinh thần, là đam mê khiến cuộc đời đáng sống đáng yêu lắm. Hơn hai nghìn năm trôi qua, người ta có thể nhìn thấy Hội Thánh của Chúa là thế nầy hay thế kia, tuỳ theo thời đại và quan điểm của mỗi người. Nhưng luôn luôn và mãi mãi, cơ bản Hội Thánh của Chúa là một cộng đoàn có lòng yêu mến lẫn nhau, không phải bất cứ tình yêu mến nào nhưng là tình yêu mến làm cho mọi người nhận ra đó là những môn đệ của Chúa Giêsu. Người bảo chúng ta hãy yêu mến nhau như Người yêu mến chúng ta. Chính lúc đó chúng ta được gắn liền với thân nho để nhận được nhựa sống là tình yêu hầu loan truyền thứ nhựa sống ấy cho các cành nho khác. Các môn đệ Chúa phải yêu mến nhau bằng một tình yêu mới, tình yêu mà Người thực hiện bằng cách đổ hết máu ra để cứu chuộc chúng ta. Đó chính là điều mà Chúa gọi là ‘Giới răn mới’. Linh mục Phạm Quang Hồng.