LÁ THƯ MỤC VỤ
Một Chúa Ba Ngôi vẫn mãi là Mầu Nhiệm cao vời huyền nhiệm nhất khi chúng ta nói về Thiên Chúa. Mầu Nhiệm này không do con người diễn giải hoặc suy luận dựa trên cơ sở hiểu biết, nhưng hoàn toàn do Thiên Chúa mạc khải qua từng biến cố từ khởi nguyên cho đến tận hôm nay. Tuy nhiên với trí hiểu và ngôn ngữ hạn hẹp, sao chúng ta có thể hiểu thấu về một Đấng thông minh vô hạn? Đấng tạo dựng vũ trụ là Chúa Cha, Đấng đã Hóa Thân Nhập Thể là Chúa Con, và Đấng Thánh Hóa là Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi chỉ Một Thiên Chúa. Thật là khó hiểu và không thể nào tưởng tượng, hay hình dung ra được. Chúng ta phải cắt nghĩa sao đây? Hay dùng ngôn từ gì để diễn giải cho một người chưa từng nghe đến Thiên Chúa để cho họ có khái niệm về Mầu Nhiệm này? Chính chúng ta cũng là người hiểu mơ hồ, không có khả năng thấu hiểu sự cao siêu huyền nhiệm về Thiên Chúa. Là một tạo vật do chính Tay Thiên Chúa tạo dựng, nên thấu hiểu bản năng thần linh của Thiên Chúa, là không thể, chỉ có lấy đức tin bù lại, để mà tin, để xác tín và để hiểu biết bằng chính ngôn ngữ của chúng ta.
Một ngày kia, có hai người thả bộ trên bãi biển, vừa đi vừa tranh luận về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và kết quả chẳng đi đến đâu. Xa xa có một cậu bé đang đào một cái hố nhỏ trên cát, cầm vỏ sò chạy lên chạy xuống múc nước đổ vào cái hố. Hai người đàn ông dừng lại quan sát một hồi thì ra cậu bé đang lấy nước biển đổ vào cái hố, trông thật buồn cười. Họ tiến lại gần cậu bé và hỏi cậu đang làm gì vậy? Cậu bé ngước mặt lên nhìn họ với vẻ mặt rất đăm chiêu, và trả lời. Cháu đang múc nước biển đổ vào hố để làm cạn cái biển này. Hai người đàn ông nhìn cậu bé mỉm cười, tiếp tục đàm đạo về Thiên Chúa. Lúc sau, một người dừng lại và nói với người kia rằng: “Chúng ta vừa cười cậu bé cho sự ngố nghỉnh không thể mà cậu bé đang làm.” Và đúng vậy, những gì chúng ta đang tìm hiểu, và nói về Thiên Chúa cũng giống như cậu bé đang múc nước biển đổ vào cái hố.
Nhìn vào vũ trụ bao la rộng lớn, chúng ta mới thấy Thiên Chúa đã mạc khải một cách minh nhiên, không bằng lời nói mà bằng hành động yêu thương. Qua bao nhiêu biến cố từ khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, và trong chương trình cứu chuộc của Ngài, chúng ta có thể hiểu được sự mạc khải của Ngài về Một Thiên Chúa Tình Yêu. Hành động này lại càng rõ nét, gần gũi và thực tế hơn về Thiên Chúa; Ngài đã trao tặng cho chúng ta Người Con Duy Nhất xuống thế làm người, ở giữa chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể là một bằng chứng hùng hồn nhất, nói về sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính Ngôi Lời làm người để chúng ta được diễm phúc trở thành con cái Thiên Chúa. Chúa Cha và Chúa Con là một, Chúa Cha yêu mến Chúa Con, và Chúa Con yêu mến Chúa Cha, cả hai ở trong tình yêu, và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Tình Yêu là Chúa Thánh Thần liên kết Cha và Con nên Một Thân Thể.
Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là một sự khó hiểu hóc búa của trí tuệ, mà thực tại đơn giản như trong bài Tin Mừng tuần này. Khi Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin ở Con của Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời.” Trong cuộc đàm thoại ngắn với Nicôđêmô chúng ta mới thấy Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mang khuôn mặt chính là Đức Giêsu, là Người Con bị treo trên Thập Giá. Đây là một Tình Yêu điên rồ mà Thiên Chúa đã tự tách chính Mình để cứu chuộc thế gian bằng chính Lời của Ngài Nhập Thể. Khi bị giương lên cao khỏi mặt đất, chúng ta mới hình dung ra một chân lý sâu xa nhất về căn tính của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Tình Yêu này đến với thế gian không phải luận phạt thế gian, nhưng nhờ Con Một của Người mà thế gian được cứu chuộc. Chính sự hy sinh này trong mắt của loài người cho là điên rồ, vì đây là một Tình Yêu Cứu Chuộc mà không ai có thể hiểu Tình Yêu này sẽ đi tới mức độ nào. Đây mới là sự điên rồ của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người bằng việc cụ thể nhất để hiểu được phần nào về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa là Tình Yêu, chậm bất bình nhưng đầy sự khoan dung. Ngài không muốn cho bất cứ một ai phải bị trầm luân và bị chết. Tuy nhiên, Ngài luôn tôn trọng tự do của con người. Nếu con người mở lòng ra để đón lấy Tình Yêu ấy, thì chính Tình Yêu ấy sẽ cứu rỗi họ. Ngược lại, nếu ai khép kín, là từ chối Tình Yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Cho nên Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một sự trừu tượng mơ hồ, nhưng là một thực tại Tình Yêu, để con người bước vào để được sống và sống dồi dào. Chúng ta sẽ mãi xa lạ với Thiên Chúa, nếu chúng ta xa lạ với Tình Yêu. Thánh Gioan đã khẳng định Thiên Chúa là Tình Yêu vì Ngài đã đối diện với cảnh tượng Tình Yêu ấy và tham dự vào bi kịch trên đồi Gôngôtha. Ngài đã nhận thấy Tình Yêu được chia sẻ chan hòa giữa Ba Ngôi, Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha, và Thánh Thần là sự hiệp thông duy nhất của tình yêu giữa Cha và Con.
Là người, là con cái của Chúa sống trong Hội Thánh, ta được mời gọi xây dựng tình yêu thương sự hiệp nhất nên một ngay trong Gia Đình, trong Hội Đoàn, trong Cộng Đoàn Giáo Xứ. Nếu như ta là tác nhân gây sự bất hòa, sự chia rẽ, cũng chính là lúc ta làm hư đi Mầu Nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời ta. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để trong mỗi bậc sống, chúng ta luôn được Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa biến đổi, canh tân, để ta trở nên khí cụ bình an của Chúa.
Lm. Nguyễn Kim Sơn