CÁC ƠN TIỂU XÁ, ĐẠI XÁ VÀ TOÀN XÁ
Nguồn: http://xuanha.net/Hoidesongdao/mb1anxa.htm
Xin cho biết: Ân xá, đại xá, tiểu xá, đại xá, đại xá và toàn xá có khác nhau không?”
Trả lời vắn tắt:
Theo định nghĩa trong Tự điển Tín lý thần học thì:
-Ân xá (indulgence) (xóa bỏ, xóa tội ngoài Bí Tích Giải Tội, cho những tín hữu làm tròn những điều kiện được GHCG qui định như:
1/ làm việc lành Gh chỉ định (đọc kinh, ăn chay…).
2/ viếng nơi thánh Gh chỉ định (viếng nhà thờ, nghĩa địa).
3/ kính vật thánh Gh chỉ định (hôn kính xương thánh).
-Tiểu xá (partial indulgence) (tha cho hối nhân một phần hình phạt, thời trước khi còn sống, ngày nay trong luyện ngục).
-Đại xá hay Toàn xá (plenary indulgence) (tha cho hối nhân hoàn toàn hình phạt…).
Đại xá và Toàn xá giống nhau về ơn ban, nhưng khác nhau về lúc dùng “từ” này.
Thông thường người ta dùng “đại xá”, nhưng những trường hợp đặc biệt như Năm Linh mục, Năm thánh…người ta dùng “Toàn xá” nghe long trọng hơn, và kéo chú ý của người lãnh hơn.
Người lãnh ân xá phải giữ điều kiện Gh dạy:
1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lãnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm Tông huấn Ânxá 26).
2. -Xưng tội ít nhiều ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá (hiểu là trước sau vài 3 tuần).
-Rước lễ chính ngày lãnh đại xá.
-Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng (đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng. Khi viếng nhà thò: đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin kính).
Khi còn sống càng lãnh nhiều ân xá càng tốt cho mình sau này.
Lm. Markb, cmc
—http://thanhlinh-austin.net/kinhdacbiet/
Ðền Tội Và Ân Xá
(từ catholic.or.tw và dongcong.net được đăng trên www.thanhlinh.net)
“Này đây phân nữa tài sản của tôi, tôi xin cho người nghèo;
và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19,1-10)
1. Việc đền tội có ý nghĩa gì?
Việc đền tội nhằm bù đắp phần nào những thiệt hại do tội lỗi gây ra. Việc đền tội cũng cho ta được dịp chung phần đau khổ với Chúa Kitô, và trở nên giống Ngài là Ðấng đã đền tội thay cho ta.
2. Ngoài việc xưng tội còn có những hình thức sám hối nào?
Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh còn nhấn mạnh đến ba hình thức sám hối này là: ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
3. Ân xá là gì?
Là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha.
4. Có mấy thứ ân xá?
Có hai thứ ân xá:
– một là ơn đại xá, tha toàn phần các hình phạt,
– hai là ơn tiểu xá, tha một phần hình phạt mà thôi.
5. Muốn hưởng ơn đại xá ta phải làm gì?
Phải làm những việc Hội Thánh dạy và quyết tâm hoán cải bằng cách dứt khoát với tội lỗi, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.
ƠN TOÀN XÁ (ĐẠI XÁ)
Trước hết, chúng ta nên nhớ là Ơn Đại Xá và Ơn Toàn Xá chỉ là một ơn duy nhất, song được Việt Ngữ diễn tả bằng hai cách khác nhau. Ơn Đại Xá hay Ơn Toàn Xá là ơn hoàn toàn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền, dù các tội lỗi ấy đã được Bí Tích Hòa Giải thứ tha. Bởi thế, ai thực sự hưởng trọn Ơn Toàn Xá này thì khi chết, nếu chưa kịp phạm thêm một tội nào khác, sẽ được lên Thiên Đàng ngay, không phải qua luyện tội tí nào, giống hệt như trường hợp chết ngay sau khi được rửa tội, hay trường hợp được phúc tử đạo vậy, vì cả hai trường hợp được so sánh này, trường hợp rửa tội bằng nước và bằng máu ấy, theo Giáo Lý, đề được tha chẳng những tội lỗi mà còn cả tất cả mọi hình phạt do tội lỗi đáng phải đền nữa.
Chính vì lý do Ơn Toàn Xá chỉ tha tất cả mọi hình phạt chứ không phải tha chính tội lỗi mà điều kiện tiên quyết để được lĩnh Ơn Toàn Xá này là phải sạch tội hay phải xưng tội. Điều kiện thứ hai là hiệp lễ, bởi vì nếu Ơn Toàn Xá làm cho linh hồn được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa ngay, tức được hiệp thông với Ngài liền ngay sau khi Kitô hữu qua đời, thì thật là hợp tình hợp lý cho việc con người tỏ ra hết lòng khao khát muốn được hiệp thông vời Ngài, qua việc Hiệp Lễ vậy. Và điều kiện thứ ba là cầu theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, một điều kiện liên quan đến việc hiệp thông với Giáo Hội Chúa Kitô, với Cộng Đồng Hiệp Thông Ân Phúc, một cộng đồng chất chứa kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô, của Mẹ Maria và của Các Thánh là những gì linh hồn được trọn vẹn hưởng bằng Ơn Toàn Xá vào một dịp đặc biệt nào đó, như vào các Năm Thánh, hay vào dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2006 này.
Thế nhưng, để lĩnh Ơn Toàn Xá vào mỗi dịp đặc biệt, ngoài 3 điều kiện căn bản bất khả thiếu trên đây, Kitô hữu Công Giáo chúng ta còn phải thi hành đúng qui định của Tòa Thánh cho mỗi dịp nữa, những qui định thường liên quan đến 4 yếu tố là thời điểm, thụ nhân, địa điểm và việc làm.
—
LÃNH ÂN XÁ: ĐẠI XÁ, TIỂU XÁ
Ðiều thuộc đức tin là: Giáo hội có quyền ban Ân xá. (D. 989,998).
Ân xá là ơn Giáo hội ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh, để tha hình phạt tạm người ta phải chịu bởi những tội đã được Chúa tha.
Ân xá có hai loại: Ðại xá (tha hết), và Tiểu xá (tha một phần).
Mọi tín hữu có thể lãnh đại xá, tiểu xá cho mình hoặc nhường lại cho người đã qua đời (Giáo Luật 994).
Muốn hưởng ân xá, tín hữu phải có những điều kiện sau:
1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lãnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm (Tông huấn Ân xá số 26).
2. Phải xưng tội ít nhiều ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng là đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, hay một kinh nào tùy lòng đạo đức mọi người. Khi viếng nhà thờ để lãnh đại xá sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin kính.
Bà Thánh Brigitta nói: “Ai lãnh được một đại xá trước khi chết, thì sẽ được tha thứ và được rước vào Thiên đàng ngay, như khi vừa lãnh Bí tích Rửa tội mà chết vậy”.
Ngày 1.1.1967, Ðức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục đã định lại các ân xá. Mọi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ khi gần chết được lãnh thêm một đại xá nguy tử (số 24).
Tiểu xá có thể lãnh một ngày nhiều lần (số 24,3).
Sau đây xin kể những kinh, những việc có đại xá, tiểu xá:
1. CÁC KINH CÓ ÐẠI XÁ (theo số trong Tông huấn)
22. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất nhân lành rất cam thay sau khi Rước lễ các Thứ Sáu Mùa Chay, và Tuần Thương khó. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
26. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội vào ngày lễ kính Trái Tim Chúa để đền tạ Chúa. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
27. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng, là Ðấng đã chuộc tội loài người ta vào ngày lễ Chúa Giêsu Vua. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
48. Ðọc chung và suy ngắm 50 kinh Mân côi trong nhà thờ, hoặc nhà nguyện công, hoặc với gia đình, cộng đồng tu trì, hay hội đạo đức. Ngoài ra chỉ được tiểu xá.
59. Hát kinh “Ðây Nhiệm tích vô cùng cao quí” tối Thứ Năm Tuần Thánh và lễ Mình Thánh Chúa. Hát các lúc khác chỉ được tiểu xá.
60. Hát kinh Tạ Ơn Chúa (Te Deum) chiều ngày cuối năm. Hát lúc khác chỉ được tiểu xá.
61. Hát kinh Ðức Chúa Thánh Thần (Veni Creator) ngày đầu năm mới và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các lúc khác chỉ được tiểu xá.
2. CÁC VIỆC CÓ ÐẠI XÁ
3. Viếng Chúa, chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.
11. Viếng một trong bốn đại Thánh đường Rôma vào lễ Bổn mạng đại thánh đường ấy, hoặc tùy chọn một lần trong năm.
12. Lãnh phép lành Ðức Giáo Hoàng ban cho Rôma và thế giới (dù qua radio, TV).
13. Viếng nghĩa địa cầu hồn trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11. Viếng các ngày khác chỉ được tiểu xá.
17. Thờ lạy và hôn kính Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần thánh theo nghi lễ Giáo hội.
23. Dự nghi lễ bế mạc Ðại Hội Thánh Thể.
25. Cấm phòng ba ngày trọn.
28. Giờ nguy tử, dù không thể có Linh mục tới ban các Bí tích cuối cùng và phép lành Tòa Thánh, Giáo hội cũng ban đại xá cho những ai trong đời sống đã có thói quen đọc kinh cầu nguyện (trường hợp này thói quen đó thay ba điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Ðức Giáo Hoàng). Người nguy tử hôn kính tượng Thánh giá, giục lòng ăn năn tội để lãnh đại xá.
35. Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo Ðức Giáo Hoàng hay Ðức Giám Mục đã làm phép (để tôn kính, lần hạt…) vào ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô Phaolô, và đọc bản tuyên xưng Ðức Tin (kinh Tin kính). Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo do Linh mục làm phép chỉ được tiểu xá.
41. Nghe vài bài giảng trong kỳ có Linh mục tới giảng đại phúc, cấm phòng và dự nghi lễ trọng thể bế mạc. Nghe các bài giảng lúc khác chỉ được tiểu xá.
42. Người Rước lễ lần đầu và những người dự Thánh lễ ấy.
43. Linh mục dâng lễ đầu tay trọng thể và những người dự lễ ấy.
49. Linh mục tuyên hứa lại trung thành với Ơn gọi tu trì và những ai dự lễ trọng kỷ niệm 25, 50, 60 năm thụ phong Linh mục.
50. Cung kính đọc Kinh Thánh đủ nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.
63. Viếng và suy gẫm đủ 14 đàng Thánh giá. Ði từng nơi, nếu ít người.
65. Viếng nhà thờ giáo xứ ngày lễ Bổn mạng nhà thờ ấy, hoặc ngày 02 tháng 8 (ngày đặc ân Portiuncula của nhà thờ Thánh Phanxicô tại nước Ý).
66. Viếng nhà thờ, hoặc bàn thờ ngày được làm phép hiến thánh.
67. Viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện công hay bán công vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ các Thánh để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.
68. Viếng nhà thờ, nhà nguyện dòng ngày kính Vị Thánh Sáng lập.
69. Dự một nghi lễ tại nhà thờ trong thời gian Ðức Giám Mục hay Ðại diện thăm mục vụ Giáo xứ. Nếu chỉ viếng nhà thờ trong thời gian đó thì được tiểu xá.
70. Tuyên lại lời hứa khi lãnh Bí tich Rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh, hoặc vào ngày kỷ niệm được Rửa tội theo quãng Giáo hội quen dùng (từ bỏ ma quỉ, tin kính Thiên Chúa). Tuyên lại lúc khác chỉ được tiểu xá.
3. CÁC KINH CÓ TIỂU XÁ
2. Kinh Tin, Cậy, Mến, và ăn năn tội.
6. Kinh Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người.
9. Kinh Ðức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin, hoặc Lạy Nữ vương Thiên đàng.
10. Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô.
16. Kinh Tin kính các Thánh Tông đồ (Tôi tin kính ÐCT là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất).
19. Kinh Vực sâu.
29. Kinh Cầu Tên Ðức Chúa Giêsu, kinh Cầu Trái tim Chúa, Máu Thánh Châu Báu Chúa, kinh Cầu Ðức Bà, kinh Cầu ông Thánh Giuse, kinh Cầu Các Thánh.
30. Kinh Ngợi khen (Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa).
32. Kinh Hãy nhớ (Lạy Thánh Nữ Ðồng trinh Maria là Mẹ rất nhân từ).
33. Thánh vịnh Thống hối 50.
37. Kinh cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ (được giáo quyền chuẩn nhận).
38. Dùng ít phút cầu nguyện thầm trong trí.
39. Lời nguyện cho Ðức Giáo Hoàng (Ta hãy cầu xin cho Ðức Giáo Hoàng…).
44. Cầu nguyện cho Giáo hội hợp nhất (theo bản kinh được chấp nhận).
46. Lời cầu nghỉ yên (Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy).
51. Kinh Lạy Nữ vương (Lạy Nữ vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống).
54. Tôn kính Thánh theo ngày chỉ trong lịch Công Giáo (đọc lời nguyện theo sách lễ, hoặc đọc kinh kính vị Thánh ấy).
57. Kinh Trông cậy (Chúng con trông cậy rất Thánh Ðức Mẹ Chúa Trời).
4. CÁC VIỆC CÓ TIỂU XÁ
1. Tiểu xá ban chung cho tín hữu nào trong khi làm việc bổn phận và chịu gian nan ở đời, hướng tâm trí lên cùng Chúa, khiêm nhường trông cậy thầm đọc một lời cầu xin (để giữ và gia tăng sự kết hợp với Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:
Matthêu 7,7-8 “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở”.
Matthêu 26,40 “Tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”,
1 Corinhtô 10,31 “Dù anh chị em ăn uống hay làm việc gì, nhớ làm bởi vinh Danh Chúa”.
Công đồng Vaticanô 2, Hiến chế Giáo hội số 41, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 4 cũng khuyên những lời tương tự.
2. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần đức tin và tình thương, hy sinh sức khỏe, hoặc của cải giúp anh chị em túng cực (của ăn, áo mặc, an ủi), bởi Chúa đã phán:
Matthêu 25,35-36 “Khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn… Khi Ta yếu ngươi đã thăm viếng”.
1 Gioan 3,17-18 “Ai có của, khi thấy anh chị em mình túng cực mà khóa lòng lại, hỏi kẻ ấy có thật lòng yêu mến Chúa chăngì”
Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 8, số 31, Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay số 93 cũng khuyên những lời tương tự.
3. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần thống hối, tự nguyện từ bỏ những cái được phép, những cái thỏa lòng mình (để cầm hãm dục vọng, bắt xác thịt sống nghèo và khổ sở như Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:
Luca 9,23 “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Ta”.
Thư Roma 8,13 “Nếu bởi tinh thần, anh chị em giết chết việc xác thịt, anh chị em sẽ được sống”.
Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Huấn luyện Linh mục số 9, Hiến chế Giáo hội số 10, số 41 cũng có những lời khuyên tương tự.
15. Rước lễ thiêng liêng (Lạy Ðức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con…)
20. Dạy giáo lý, hoặc học giáo lý Công Giáo.
34. Tham dự làm Tuần Chín tại nhà thờ trước lễ Sinh nhật Chúa, lễ Hiện Xuống, lễ Mẹ Vô Nhiễm.
45. Dự Cấm phòng tháng.
55. Làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và con và Thánh Thần Amen.
Vấn đề Xưng tội
Nguồn: R. Veritas (Microsoft Word)
Xưng tội bây giờ là vấn đề đáng quan tâm, một phần vi nhiều người ít hiểu nên ngại, một phần vì tội lỗi lan tràn khắp nơi, khiến cho người ta mất ý thức về tội, ít nghĩ đến tội, không còn sợ tội để mà xa lánh. Có nhiều căn cớ gây nên tình trạng này, như lương tâm bị chai lỳ không còn nhậy cảm với tội, như ít đi xưng tội nên cũng chẳng mấy khi nghĩ đến tội. Thêm vào đó là trào lưu tục hóa và khuynh hướng tương đối hóa của người thời nay.
Vậy, thiết tưởng nên bàn về vấn đề xưng tội để hiểu cho đúng ý nghĩa, và tránh cảm nghĩ đó là một công việc nặng nhọc gần giống như một thứ khổ dịch.
Như giáo lý dạy, xưng tội là thành phần của bí tích giải tội. Ngày nay người ta còn dùng nhiều từ khác để chỉ bí tích này như hòa giải, giao hòa, sám hối nhưng từ giải tội và xưng tội vẫn thông dụng và dễ hiểu hơn, nghĩa là có tội thì đi xưng, xung thì được tha. Chúng ta có tội xúc phạm đến Chúa, bây giờ xưng tội thì Chúa tha cho. Bởi vậy, từ giải tội vẫn gần gũi và thiết thực hơn. Nói chung một cách vắn tắt, xưng tội là xưng thú các tội xúc phạm đến Chúa và người khác với người đại diện của Chúa là cha giải tội một cách chân thành. Xưng tội là mong kết nối lại mối dây ân tình giữa mình với Chúa đã bị phá vỡ vì tội lỗi. Nay đi xưng tội là để tăng thêm tình nghĩa với Người, nếu chỉ có những lỗi phạm nhẹ ; và khôi phục lại tình nghĩa cha con, nếu như đã trót có những lỗi phạm nặng, vì khi đó là xóa bỏ ơn nghĩa, làm mất ơn thánh sủng khiến linh hồn ra đen tối. Vì thế, phải xưng tội để mỗi ngày được thêm ơn phúc và lấy lại tình trạng ơn nghĩa, nếu như đã đánh mất vì các tội trọng. Muốn xưng tội cho có kết quả tốt, cần làm những việc sau đây :
1. Xét mình
Nghĩa là xét xem trong thời gian từ lần xưng tôi trước cho đến bây giờ, mình đã phạm những tội nào trong mười điều răn của Chúa. Có thể xét mình dựa vào mười điều răn như vẫn thường làm xưa nay. Lại cũng có thể dựa vào các mối liên lạc của mình với Chúa, với người khác và với chình mình. Đối với Chúa, thử xét xem mình có đầy đủ bổn phận với Người không ? Bổn phận ở đây là bổn phận của thọ tạo đối với Đấng Hóa Công. Thọ tạo phải tôn thờ và biết ơn Đấng đã tạo dựng nên mình. Vậy, các việc thờ phượng, kinh lễ đối với Chúa thế nào. Các điều răn Hội thánh truyền dạy về việc tôn vinh thờ phượng Chúa, mình giữ ra sao ?
Đó là nói chung về việc thờ phượng kinh lễ. Còn đối với người ta, thử xét xem mình có giữ đức công bình, bác ái với ngưới ta không ? Có vay mượn mà không trả hay làm thiệt hại của cải vật chất hay danh thơm tiếng tốt của người ta không ? Có ganh ghen tìm cách gièm pha nói xấu hay đối xử gay gắt bất công không ?
Đối với bản thân, mình có lo giữ điều độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ và mọi sinh hoạt khác không ? Có lười biếng trong công việc bổn phận và sống vô tổ chức, vô kỷ luật không ? Cuối cùng xét xem nết xấu nào ngăn cản mình sống thân tình với Chúa.
2. Xưng tội
Xưng tội là cáo các tội mình đã xúc phạm đến Chúa và các người có liên hệ. Phải có lòng tin và đức khiêm nhường mới làm công việc này được. Tin để bảo mình rằng khi xưng tội là cáo tội với Chúa qua trung gian cha giải tội, và khiêm nhường để nhận mình là kẻ có tội mà sẵn sàng hạ mình xuống, không nề hà địa vị của mình trong xã hội. Thường người ta ngại xưng tội cũng vì không vượt qua được sự ngại ngùng này, khi phải xưng thú tội với một người phàm, nhưng lại được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi. Ngoài ra, cũng đừng quên là cha giải tội bị buộc ngăt không được tiết lộ bất cứ tội nào nghe cáo ở trong tòa. Vì thế, đừng sợ người khác biết tội mình và khi giải tội xong, cha giải tội phải đối xử với người đã xưng tội với mình, như không có chuyện gì đã xẩy ra giữa đôi bên. Vậy, cứ việc bình tĩnh cáo tội một cách chân thành và rõ rệt, nghĩa là cáo hết các tội mình đã xét và nhớ được, không giấu tội nào nhất là tội trọng, vì giấu thứ tội này là làm hư phép giải tội, là phạm sư thánh. Khi xưng tội nên xưng vắn tắt nhưng rõ ràng, để cha giải tội biết các tình tiết mà xét định là tội trọng hay tội nhẹ hầu ra viếc đền tội và lựa lời khuyên bảo cho thích hợp. Cũng nên nhớ là đừng kể tội người khác. Còn tội trọng hay nhẹ là tùy điều mình lỗi phạm thuộc loại nặng hay nhẹ. Khi biết rõ là nặng mà còn cứ phạm hay ưng thì đó là tội. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây câu định nghĩa của thánh Âu-tinh về tội để giúp dễ xét mình : “Tội là nói, muốn hay làm điều trái với luật Chúa và lương tâm.” (dictum, velitum, vel factum contra legem Dei et conscientiam).
3. Ăn năn tội
Xụt xùi hay khóc lóc sau khi xưng tội ở trong tòa không phải là điều cần thiết hay là dấu tỏ lòng ăn năn tội thật. Ăn năn tội thật là nhận rằng mình đã xúc phạm đến Chúa, đã lỗi nghĩa cùng Người, nên bây giờ lấy làm hối hận vì sự xúc phạm đó và quyết tâm sửa lại, như lời kinh ăn năn tội vẫn thường đọc : “Tôi đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa thì tôi lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội tôi trên hết mọi sự, tôi dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì tôi sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng.” Hay là tự mình nói thầm những ý tưởng và tâm tình giống như vậy. Bây giờ theo nghi thức giải tội mới nên giục lòng ăn năn tội trước khi vào xưng tội, còn ở trong tòa thì lắng nghe cha giải tội đọc công thức giải tội như sau : “Thiên Chúa là cha nhân từ đã nhờ cái chết và sự sống lại của Con Mình mà hòa giải với Mình. Xin Chúa dùng thừa tác vụ của Hội thánh mà tha thứ và ban cho con được bằng an. Và cha tội cho con nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” rồi thưa Amen.
4. Đền tội
Sau khi khuyên bảo, cha giải tội ra việc đền tội. Việc này thường là đọc mấy kinh hay làm một vài công việc nào đó, để đền những tội đã phạm. Thực ra, những kinh hay những việc làm kia không đền bù và khỏa lấp được các tội đâu. Chính công ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô mới có sức đền tội. Những kinh và những việc kia chỉ là một sự nhắc nhở phải bày tỏ lòng hối tiếc và noi gương Chúa đã tự nguyện chấp nhận cái chết đau thương khổ cực để cứu chuộc chúng ta.
5. Dốc lòng chừa
Dốc lòng chừa là quyết chí từ bỏ đường tà để làm cho mình nên tốt hơn. Nếu cha giải tội không nói thì hỏi xem nên chọn điểm nào để sửa mình, một điểm cụ thể, ví dụ thời gian này nên chú ý đọc kinh tối trước khi đi ngủ, cố dậy sớm cho khỏi nhỡ công việc, chịu khó sửa soạn trước công việc phải làm, không tiêu xài phung phí v.v…
6. Xưng tội đều đặn với một cha giải tội
Người thợ máy phải xem máy móc thường xuyên mới giữ cho máy tốt và tránh được những sửa chữa quá phí tổn. Người năng xưng tôi đều đặn cũng ví được như thế. Ngoài ra là xưng với cùng một cha giải tội, vì nhờ đó cha giải tội biết rõ linh hồn mình hơn, để có thể giúp mình cách hữu hiệu. Sau khi đã chọn được cha giải tội thì nên tiếp tục xưng tội với cha ấy.
Kết luận
Những điều trên đây về bí tích giải tội là những điều thông thường. Nhưng vì hoàn cảnh, có thể nhiều người đã quên nên cần nhắc lại để mọi người đỡ ngại đến với bí tích này, hầu được đổi mới và luôn sống trong vòng ân tình với Chúa, mà thờ phượng Người trong niềm hoan hỉ :
Phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ
vào trước thánh nhan Người với tiếng hò reo.
(Tv 99,2)
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
Bí quyết sống An Bình
Nguồn : R. Veritas ( Microsoft Word)
Nhà truyền giáo nổi tiếng là linh mục Geddo đã có một bài chia sẻ về Bí Tích Giải Tội như sau:
Mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta gia tăng ý thức về tội lỗi của chúng ta và ơn tha thứ của Chúa. Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng Thừa Sai người Ý truyền giáo tại Hồng Kông kể lại rằng: trong một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa. Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải Tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi Giáo đến gặp vị truyền giáo và nói như sau:
– Thưa cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng:
– Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải Tội
Nhưng người tín hữu Hồi Giáo nài nỉ:
– Thưa cha, trong Hồi Giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.
Vị linh mục liền chúc lành cho người tín hữu Hồi Giáo và người này ra về trong bình an.
Tại Ðại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật Giáo trở lại Công Giáo. Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi đại ý như sau:
Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo. Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau:
– Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy tôi trở lại. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo, vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Ðối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, dĩ nhiên có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới những gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công Giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.
***
Mùa chay, chúng ta không chỉ cầu nguyện, chay tịnh và thực thi bác ái. Mùa chay còn là trường dạy chúng ta cảm nhận ơn tha thứ của Chúa. Bí tích giải tội là ân huệ cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã mang lại cho nhân loại. Chỉ trong bí tích này, chúng ta mới nghe được câu nói của chính Chúa Giêsu: “Ta tha tội cho con, con hãy về đi, tội con đã được tha”. Con người mới cảm nhận được sự bình an và mới tha thứ cho chính mình. Tha thứ cho người khác là chuyện khó, nhưng có khi tha thứ cho chính bản thân mình lại là chuyện khó hơn. Con người không muốn tha thứ cho mình khi không muốn cảm nhận được ơn tha thứ và sự bình an của Chúa.
Xét cho cùng, con người không dám hay không muốn tin tưởng ở lòng tha thứ của Chúa. Thân phận con người, cuộc sống của mỗi người và thế giới xung quanh chúng ta có lúc là một gánh nặng chồng chất trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không muốn để cho ơn tha thứ và sự bình an của Chúa chiếm ngự và tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Ước gì sau một lần bước ra khỏi tòa giải tội, chúng ta thực sự thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi đè nặng trong lương tâm, cảm nhận được ơn tha thứ và sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu hứa ban cho chúng ta.
***
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Bí Tích Giao Hòa như phương thế để giúp chúng con thực sự cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Trong mùa chay này, xin Chúa gia tăng niềm tin tưởng và ơn can đảm để chúng con biết mau mắn chạy đến với Chúa và cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Amen.
Kho báu trên trời
VRNs (29.07.2010) – Zenit.org – Ngoài việc bàn đến dụ ngôn về tài sản và tích trữ trong Tin Mừng Luca, bài đọc một từ sách Giảng Viên (1, 2; 2, 21-23) đã không ủy mị, mà thẳng thắn nói ra bản chất phù du của cuộc sống và thời gian: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (1, 2).
Từ “vanity” thường đề cập đến một tình yêu quá mức có ở một người, nhưng trong sách Giảng Viên nó mang một ý nghĩa khác nhau. Chữ đó tiếng Việt gọi là “phù vân” là “trống vắng” hoặc “không có gì”, do đó, một thể của “vanity” là “vanities” có nghĩa là “hoàn toàn phí thời gian.” Côhêlet đã gọi như thế. Ông hoài nghi về cuộc sống, vì đã sống một thời gian dài và thấy vô vọng với phần lớn công việc của mình. Cuốn sách của ông kết thúc bằng một sự thật đơn giản: giá trị đích thực của cuộc sống là Thánh ý của Thiên Chúa.
Một dụ ngôn về tài sản và tích trữ
Tin Mừng hôm nay (Lc 12, 13-21) đưa ra những câu nói tương phản giữa những người đặt trọng tâm và tin tưởng của cuộc sống vào tài sản vật chất (16-21), với những người nhận ra sự phụ thuộc hoàn toàn của họ vào Thiên Chúa (21), những người biết tích lũy kho tàng của họ trên trời (33-34).
Các chủ đề về lòng tham hoặc tích trữ phát sinh do một ai đó trong đám đông yêu cầu Chúa Giêsu can thiệp vào chuyện chia của thừa kế của họ. Chúa Giêsu từ chối và biến cuộc trò chuyện đó thành một giáo huấn về của cải vật chất. Ngài minh họa điều này bằng câu chuyện về một nông dân giàu có quyết định tích trữ lương thục cho riêng mình. Ông nhà giàu quyết định xây dựng thêm chuồng trại hoặc hầm chứa ngũ cốc. Nhưng Chúa Giêsu dường như muốn nói ông nông dân này nên đã chia sẻ cái ông có với người nghèo.
Sự tham lam không chỉ là tích trữ hàng hóa thay vì tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng nó bao gồm những việc làm cố tình bỏ qua các nhu cầu của người khác. Dụ ngôn không phải là chuyện ông chủ ngược đãi người làm công, hoặc bất cứ hành động tội phạm nào. Vậy, nếu ông không phải là bất công, thì ông là gì?
Dụ ngôn này nói rằng ông là một kẻ ngốc !
Ông đã sống hoàn toàn cho chính mình. Ông chỉ nói chuyện với chính mình, tự lên kế hoạch cho bản thân và chúc mừng mình. Cái chết bất ngờ của ông chứng minh ông đã sống như một thằng hề. “Được cả thế giới mà đánh mất chính mình hay là thiệt thần, thì nào có lợi gì?” (9, 25)
Tài sản và lòng tham trở nên quan trọng hơn con người. Nói cách khác, sự ích kỷ cố hữu phá hoại các mối quan hệ. Người đến xin Chúa Giêsu can thiệp về chuyện chia gia tài cho anh đã làm gián đoạn việc giảng dạy của Chúa Giêsu. Đó là sự xen vào không phù hợp. Anh không thể liên kết một cách hữu lý giữa tham muốn vật chất bên ngoài với mức độ khẩn cấp của thế giới nội tâm bên trong của anh.
Phá hủy quyền lực của tài sản
Chúa Giêsu sử dụng sự ích kỷ cố hữu của người đàn ông này để nói về cái gì đó có thể gây tổn hại cho linh hồn. mối quan hệ gia đình của người đàn ông rõ ràng đang bị khủng hoảng vì của cải. Ai chỉ phụ thuộc vào của cải thế gian sẽ kết thúc bằng cách lhư mất, mặc dù lúc đầu có vẻ là một sự thành công. Cái chết sẽ cho thấy người đó với một sự phong phú của tài sản nhưng cũng chỉ là một cuộc sống lãng phí (13-21).
Sự thèm muốn có được những cái riêng sở hữu hoặc không bằng lòng với những gì Thiên Chúa đã cho. Chúa Giêsu dạy lại điều răn “chớ tham lam”. Ngài cũng nói rằng giá trị cuộc sống của một người không phải là sự phong phú của tài sản mình có. Chúa Giêsu xác định trung tâm – nơi có kho báu của chúng ta? Kho báu có một liên kết đặc biệt với trái tim, nơi mong muốn và khao khát, nơi sẽ hướng về. Điều chúng ta đặt hết tâm huyết nhất của mình vào là kho tàng của chúng ta.
Sự giàu có và tham lam
Trong nhiều xã hội, sự giàu có là một dấu hiệu được Thiên chúa ưng nhận, còn nghèo đói và khó khăn là những dấu hiệu Thiên Chúa không chấp thuận. Chúa Giêsu không nói rằng giàu có là sai trái. Các Tin Mừng nhất lãm đều ghi nhận Chúa Giêsu nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời” Nhưng, Chúa Giêsu không nói giàu là sai. Sự tham lam mới là thủ phạm. Tham lam có thể biến các phúc lành của sự giàu có thành gánh nặng thèm muốn nhiều hơn nữa. Chúa Giêsu cảnh báo: “Hãy cẩn thận … rất cẩn thận … với tài sản của chúng ta. Cuộc sống không dừng ở đó !”
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để cảnh báo rằng lòng tham có thể dẫn đến mất ý nghĩa của cuộc sống. Động lực của cuộc sống sẽ chỉ còn tìm kiếm cho có “nhiều hơn” – một tìm kiếm cho “thụ tạo.” Tham lam, trên thực tế, vi phạm điều răn: “Các ngươi sẽ không có thần khác ngoài Ta”, và điều đó được nói đến trong bài đọc hai trích thư Côlôsê (3, 5) “Anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới nơi lòng anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam, mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng”
Thách thức tâm thức “Phúc âm là đủ”
Tin Mừng của Chúa Giêsu thách thức tâm thức “Phúc âm là đủ.” Chúa Giêsu không chống lại sự giàu có vật chất, nhưng lên án tình trạng làm nô lệ và bị ràng buộc bởi sự giàu có. Giàu có trở thành mối phúc khi nó được chia sẻ với người khác, và nó sẽ trở thành một chướng ngại vật cũng như nhà tù cho những người không có tinh thần chia sẻ với người khác.
Chúng ta không là chủ sở hữu, mà là quản trị viên của vật chất chúng ta đang có: Của cải không được coi là sở hữu độc quyền của chúng ta, nhưng là phương tiện qua đó Chúa kêu gọi mỗi người trong chúng ta hành động như một người quản lý của Chúa quan phòng cho những người chung quanh chúng ta. Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta, của cải vật chất chịu một giá trị xã hội, theo nguyên tắc phổ quát đích của nó (số 2404).
Tích trữ “kho báu ở trên trời” có nghĩa là dựa vào Thiên Chúa như là nguồn gốc của an ninh cho chúng ta. Nó có nghĩa là có một quan hệ đích thực và chân thành với Thiên Chúa, Người biết chúng ta, chấp nhận chúng ta, và cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn. Nó có nghĩa Thiên Chúa là đối tượng của con tim chúng ta. Nếu chúng ta có Chúa là kho báu của mình, và không có gì lớn hơn để chúng ta mong muốn nữa, thì chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra vương quốc của Thiên Chúa, tin tưởng rằng Chúa sẽ cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần (x. Mt 6, 33). Chúng ta có thể bỏ mọi sự.
Làm chỗ cho Thiên Chúa
Một năm trước đây, Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI công bố tông thư thứ ba: “Caritas in Veritate – Bác ái trong sự thật,” về phát triển con người. Đoạn 11 của tông thư thích hợp cho Tin Mừng hôm nay. “Nếu không có quan điểm của sự sống đời đời, sự tiến bộ của con người trong thế giới này bị giới hạn trong không gian. Kèm theo trong lịch sử, nó dẫn đến nguy cơ thuần túy tích lũy để giàu có; do đó nhân loại mất khả năng vươn tới những giá trị cao hơn, những sáng kiến vô vị lợi của các tổ chức từ thiện. Và như thế con người không thật sự phát triển. Trong lịch sử, của cải vật chất đã được những cá nhân và tổ chức quản lý, duy trì nhằm bảo đảm các quyền phát triển của con người.
“Thật không may, nhiều tổ chức được tín nhiệm giao cho trọng trách này, và họ đã tự động hóa hoạt động, nhưng thực tế không làm tốt, vì việc phát triển con người trước tiên là một ơn gọi, và do đó nó đòi hỏi sự dấn thân vô vị lợi cũng như liên kết của tất cả mọi người. Hơn nữa, phát triển đòi hỏi một tầm nhìn siêu việt của con người. Phát triển cần Thiên Chúa. Không có Ngài, phát triển hoặc bị từ chối, hoặc bị ủy thác độc quyền cho một nhóm người nào đó để họ lại huyền hoặc chính mình là đấng cứu rỗi và dẫn đến sự phát triển đánh mất nhân tính. Chỉ thông qua gặp gỡ Đức Chúa Trời chúng ta có thể nhìn thấy điều gì đó khác hơn chỉ là một sinh vật, nhờ đó nhận ra những hình ảnh thiêng liêng khác, do đó thật sự đến để khám phá người đó và để người đó trưởng thành trong một tình yêu sẽ trở thành mối quan tâm và chăm sóc cho người khác.
Diễn tả lòng tốt của Chúa
Cuối cùng chúng ta hãy sống những lời của thánh Gregory Nazianzen trong tuần này của chúng ta: “anh em và bạn hữu thân mến, hãy cho chúng tôi quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ phải nghe thánh Phêrô nói: “xấu hổ, bạn của những người giữ lại những gì thuộc về người khác, hãy thực thi công lý của Thiên Chúa, và không có ai sẽ là người nghèo.
Lm. Thomas Rosica Basilian
(Thụy Minh phỏng dịch)
Ly Nước Cam: “Hình Phạt” Cho Quay Cóp
Ngày trước tôi rất sợ mỗi khi tới kỳ kiểm tra môn hóa vì tôi mất căn bản từ lâu. Lần đó, không học bài nên tôi không thể làm nổi mấy bài tập. Tôi liều lĩnh lén “quay” tài liệu…
Để Mỗi Phút Giây Đều Quý Như Vàng
Nếu đang sống bên gia đình, hãy tranh thủ chia sẻ trách nhiệm công việc và thể hiện sự yêu thương với những người thân yêu… kẻo khi phải sống xa nhà, bạn sẽ hối tiếc lắm đấy!
Những Gánh Rơm Của Ngoại
Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm. Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ. Chổi to bà quét sân to, ấy còn chổi nhỏ bà để cho bé chăm lo quét nhà – ngày còn bé, ngoại tôi thường ngân nga như thế cho tôi nghe mỗi khi hai bà cháu cùng ngồi bện chổi…
Chiếc Xe Đạp Của Ba
Ba tôi làm nghề thợ gò. Lúc trước nhà tôi ở bên Phước Tĩnh, sau chuyển về Phước Hải (Vũng Tàu) cho gần ông bà nội. Được dăm năm, nhà tôi dọn ra ở riêng…
Tình Yêu Của Mẹ
Rồi từ bao giờ, con bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Con mê game, học đòi thuốc lá, lô đề. 15 tuổi, con cả gan trộm tiền của mẹ để tiêu xài. Mẹ phát hiện, cho con một trận đòn nhừ tử. Những vết lằn trên cơ thể, những lời mẹ mắng làm con thấy bị… xúc phạm. Con không những không biết hối hận mà còn giận dữ bỏ đi.