LÁ THƯ MỤC VỤ
Ở đời, ai mà không có những nỗi lo sợ ? Từ xa xưa, con người hễ thấy những gì to lớn hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, quyền năng hơn mình thì sợ, nỗi sợ hãi đó còn dễ chấp nhận. Nhưng ngược lại, nhiều người trông thấy những thứ bé xíu, nhỏ hơn mình, yếu hơn mình…mà cũng sợ, thế mới lạ ! Tôi biết có rất nhiều người sợ con sâu, con gián, con chuột…chỉ cần nghĩ đến là sợ, huống chi phải chạm đến những thứ ấy họ sợ đến nỗi có thể té xỉu ! Thú thật, từ thuở nhỏ tôi rất sợ hai thứ : Phi cơ và con sâu, tới giờ này tôi cũng không hiểu tại sao. Hiện nay tôi không còn sợ hai thứ đó nữa, tôi rất thích các loại phi cơ ( tôi đã từng ước mơ được trở thành một phi công ); còn vấn đề con sâu, sau khi xem một khúc phim hoạt hình của Walt Disney, con sâu được các họa sĩ vẽ có hai gò má xinh xinh, thế là từ đó tôi bớt dần và hết sợ sâu.
Mỗi ngày sống tuy vẫn trôi qua bình thường, nhưng tâm trí chúng ta luôn có những nỗi lo âu lởn vởn như những đám mây đen chực phủ lấy bầu trời trong xanh. Để tránh những lo âu đó, con người luôn khao khát được sống yên ổn, an toàn để hạnh phúc. Vì thế, cuộc đời luôn là một hành trình đi tìm nơi an toàn để nương thân. Đó là lý do xảy ra những cuộc ‘vượt thoát’ thật hãi hùng của những ‘thuyền nhân’ mà số đông quý ông bà anh chị em đã từng có kinh nghiệm.. Nhưng sự thật trớ trêu là con người không thể tìm được một nơi an toàn trọn vẹn khi chỉ dựa vào những thành quả của thế gian. Bởi gì những gì thuộc về trần thế luôn mang tính tạm bợ và mong manh. Chỉ có Thiên Chúa mới là nơi nương tựa mãi mãi trọn vẹn và an toàn cho chúng ta.
Bài đọc thứ nhất cho thấy tổ phụ Ápraham cảm thấy an toàn khi ông phó thác và vâng theo lời Chúa. Theo sự thường, khi đi đâu chúng ta cũng tìm hiểu để biết phần nào nơi chốn mình sắp đến. Càng biết nhiều về nơi đó, thì chúng ta càng cảm thấy yên tâm, vì mình có cảm giác mọi chuyện đều được kiểm soát trong tầm tay của mình. Ngược lại, khi ra đi mà không biết mình đi đâu thì quả là một điều bấp bênh và đáng lo âu, vì không biết sự gì sẽ xảy tới. Cũng vì thế mà chúng ta thường sợ chết vì chúng ta không biết được sau khi chết thì số phận chúng ta sẽ như thế nào. Không có ai từ bên kia thế giới trở về để nói cho chúng ta biết bên đó ra sao !
Tổ phụ Áppraham rời bỏ quê cha đất tổ để lên đường theo lời Chúa gọi. Ông không biết tương lai sẽ thế nào. Nhưng vì tin tưởng và phó thác vào Chúa nên ông cảm thấy an toàn để lên đường. Chính cuộc hành trình này đã đổi mới con người ông và mở ra một chân trời mới cho dòng dõi của ông và cho mọi người khác. Như thế, ông tin vào lời Chúa, và lời Chúa đã biến đổi cuộc đời ông. Ông quả là “Tổ phụ cho những ai có lòng tin”.
Niếm tin và lòng phó thác vào Thiên Chúa cũng được tỏ lộ trong Tin Mừng hôm nay. Trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng trải qua những cám dỗ, những lo âu nao núng trước tương lai u ám. Nhưng niềm tin và sự phó thác vào Chúa Cha làm cho Ngài vững lòng đi vào cuộc ‘thương khó’ tại Giêrusalem. Sáu ngày sau khi loan báo về cuộc ‘thương khó’, Chúa Giêsu đem ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Ngài biến hình đổi dạng với vinh quang tràn ngập trước mặt các ông. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu nói lên rằng Ngài rất hạnh phúc trong sự liên kết với Cha của Ngài. Vinh quang Thiên Chúa toát ra từ mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vinh quang chói lọi ấy cũng là dấu chỉ sự phó thác của Chúa Giêsu vào Cha của Ngài, từ đó Ngài cảm thấy an toàn và hạnh phúc.
Vinh quang ấy cũng làm cho các môn đệ được hưởng hạnh phúc. Cảm nghiệm này sẽ giúp các ông kiên vững khi phải chứng kiến của khổ nạn kinh khủng của Chúa Giêsu sắp xảy ra. Các ông sẽ nhớ lại rằng Chúa Giêsu cần phải trải qua đau khổ và sự chết để từ đó đi vào vinh quang phục sinh. Họ không những cảm nghiệm hạnh phúc vì được nhìn thấy vinh quang của Thầy mình, nhưng họ còn được dạy bảo là phải vâng nghe theo lời của Thầy, vì Thầy chính là Người Con Chí Ái của Thiên Chúa.
Lòng tin và niềm phó thác vào Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta lắng nghe và thực hành lời của Chúa Giêsu. Cuộc biến hình trên núi có mục đích chứng nhận Ngài chính là Con của Thiên Chúa. Ngài được an bình, hạnh phúc trong sự nối kết với Chúa Cha, và cuộc ‘thương khó’ của Ngài là một điều thật đúng đắn, để chu toàn chương trình cứu chuộc đã được loan báo từ trong Cựu Ước mà Maisen và Êlia là hai vị đại diện. Sau khi chứng kiến sự biến hình của Thầy, các môn đệ có thể xác tín và phó thác vào chính con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta cần lắng nghe lời Chúa vì lời Chúa có sức nuôi dưỡng, tái tạo và thăng tiến đời sống chúng ta. Nếu chúng ta gần gũi với Chúa trong sự cầu nguyện, lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn và giúp tha nhân cũng hạnh phúc hơn. Lm Phạm Quang Hồng sưu tầm.