(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Sau khi bị giam ở nhà tù T 4 (Phan Đăng Lưu, trước chợ bà Chiểu) hơn một năm, một đêm nọ tôi bị gọi tên ra khỏi buồng giam rồi bị còng tay, bịt mắt, tống lên xe chở đi đâu không biết. Lúc được mở mắt ra, tôi thấy mình ở trong một hành lang dài như một đường hầm, thì ra đó là một dãy phòng giam và tôi trở thành chủ nhân của căn áp chót cuối đường hầm. Sau nầy tôi được biết đó là một trong những hầm giam thuộc sở công an thành phố dọc đại lộ Trần Hưng Đạo. Một mình trong tối tăm, tôi không tài nào ngủ được, không biết mình đang ở đâu, không biết lúc nào trời sáng, không biết cái gì sẽ xảy đến với mình…Nguyên một ngày nặng nề trôi qua, lo âu pha lẫn với sợ hãi thì nửa đêm hôm sau người ta tống vào căn phòng chật hẹp của tôi hai người tù mới.

Đó là một bác lớn tuổi ngoài bảy mươi và một thanh niên dưới ba mươi. Sau khi tiếp xúc, tôi được biết bác lớn tuổi bị bắt vì bác là tác giả quyển sách nổi tiếng “Trại Đầm Đùn” mà tôi đã từng đọc. Tội của bác ấy là dám nói lên những cái ghẻ lở tanh hôi trong kiếp tù đày cộng sản mà chế độ muốn giấu đi. Thế là tôi đã có một ai đó để tâm sự nhất là bác kể lại cho tôi rất nhiều chi tiết lý thú trong tác phẩm mà khi đọc tôi chưa khám phá ra. Còn người thanh niên kia thì không thể nào tiếp xúc được vì anh ta không biết tiếng Việt, anh ta chỉ nói tiếng Quan Thoại mà thôi. Hơn một năm ở Phan Đăng Lưu, tôi đã học được một ít tiếng Quảng Đông, tôi dùng vốn liếng nhỏ nhoi ấy để nói chuyện với anh, tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta biết rất ít tiếng Quảng Đông, hoặc giả vờ thế.

Nửa đêm hôm sau, người thanh niên cất tiếng hát bằng tiếng Quan Thoại, tôi chẳng hiểu gì thì bác già lắng nghe một đoạn rồi bảo tôi là hắn đang hát bài quốc ca của Trung Cộng. Hát được vài câu thì hắn im bặt y như quên một chữ gì. Bổng nhiên cách đó mấy phòng có tiếng phụ hoạ, rồi ở xa xa cuối dãy phòng giam cũng có tiếng hát đáp trả. Vì tiếng hát vang lên khá to giữa đêm khuya nên những cai tù chạy vào những nơi có tiếng hát để trấn áp. Người ta xông vào phòng giam của tôi rồi lôi người thanh niên ra. Đang lúc họ còng tay, xích chân và bịt mắt người thanh niên thì họ nói với nhau : “Đám ‘Bành Trướng Bá Quyền’ nầy láu thật ! Lợi dụng đêm khuya để xác định đồng bọn bị nhốt ở đâu”. Bác già gật gù nói nhỏ với tôi : “Hắn ta là gián điệp Trung Cộng đấy”.

Ít tháng sau, Trung Cộng xua quân đánh các tỉnh phía Bắc, tôi nhớ lại người tù trẻ ở sở công an thành phố. Anh ta rất thận trọng nhưng tỏ ra có cảm tình với bác già và tôi. Tôi hỏi ý kiến bác già thì bác đồng ý là rõ ràng anh ta có thiện cảm với hai tù nhân Việt Nam và bác nhận xét bằng Anh ngữ : “The enemy of my enemy is my friend” (Kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn ta). Tôi cảm thấy anh ta gần gũi tôi hơn nên có lần anh ta chấm nước viết trên sàn nhà nhiều chữ theo lối giản đơn, khi thấy tôi nhận ra chữ Lạng Sơn, anh ta ghép hai cánh tay vào nhau diễn tả là bị còng tay tại đấy. Tôi đoán anh ta giả dạng thương nhân xâm nhập vào đến Lạng Sơn nhưng chẳng may bị tóm cổ. Tất cả chỉ là những gì tôi đoán mò, đúng hay sai cho tới giờ nầy tôi vẫn không biết, bởi lẽ giữa anh ta và tôi, không thể xử dụng ngôn ngữ để hiểu nhau. Chúng tôi không đồng ngôn ngữ để giao tiếp, nhưng cả hai đều có chung một dấu hiệu, là cả hai đều bị Việt Cộng thù ghét, thế là chúng tôi gần nhau hơn.

Ngoài ngôn ngữ ra, trên đời nầy cũng còn nhiều cách để giao tiếp như biểu tượng và dấu hiệu, nhưng ngôn ngữ vẫn nắm phần chính. Trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nhận thấy hai biểu tương là giólửa, cả hai đều tượng trưng cho sức mạnh biến đổi khiến các Tông Đồ bị biến đổi để nói một thứ ngôn ngữ lạ, ngôn ngữ gì vậy mà ai ai nghe cũng hiểu như nghe tiếng bản xứ của mình ? Đó là thứ ngôn ngữ của hoà bình chứ không xung đột; ngôn ngữ của hoà giải chứ không tranh chấp; ngôn ngữ của hợp tác chứ không chia rẽ; ngôn ngữ của tha thứ chứ không hận thù; ngôn ngữ của yêu thương chứ không oán hận. Thứ ngôn ngữ mới mẻ nầy đã tạo nên một đại gia đình của tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu, đó là một Giáo Hội của TIN – YÊU – HY VỌNG. Với ơn Chúa Thánh Thần, nhân loại gồm đủ mọi màu da, ngôn ngữ, sắc tộc, văn hoá đã cùng nhau cất lên lời ca khen Thiên Chúa, đó là phép lạ của Chúa Thánh Thần vậy, một phép lạ không ai phủ nhận được.

Kính chúc “Lễ Sinh Nhật của Giáo Hội” thật thánh thiện và hạnh phúc. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV LỄ CTTHX.docx