(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật cao vời vì nó vượt quá sự hiểu biết của trí khôn con người. Trước mầu nhiệm đó, chúng ta chỉ biết đón nhận bằng đức tin mà thôi. Tín điều “một Chúa Ba Ngôi” không phải là kết quả của suy luận, nhưng là do chính Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết và được ghi lại trong Kinh Thánh. Cho nên thái độ thích hợp nhất trước mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi phải tương tự như thái độ mà chúng ta cần có khi đứng trước một con người. Không phải thiên nhiên hay vũ trụ vật chất, không phải những lý luận, không phải những con số, không phải những bí mật này nọ mà chỉ có một con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì con người là trí tuệ và tự do, là gồm cả hồn lẫn xác, là một mầu nhiệm tuyệt vời.

Đúng vậy, con người là một mầu nhiệm đối với nhau. Không gì láo xược cho bằng đòi ‘đi guốc trong bụng’ người khác. Chúng ta chỉ có quyền và có thể ‘đi guốc’ trong bụng vũ trụ vật chất mà thôi. Mọi tham vọng tìm tòi của khoa học, dù sâu đến đâu, rộng đến đâu, xa đến đâu đi nữa đều là chính đáng vì đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa từ ban đầu : “Hãy bá chủ trên chim trời và cá biển” (Sáng thế ký 1,28). Cho nên vũ trụ vật chất có vĩ đại, bao la, cực nhỏ và cực lớn vô hạn đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là những vấn đề thách thức trí tuệ con người và để con người mặc sức lý giải và tha hồ tìm hiểu. Tất cả vũ trụ vật chất chỉ là những vấn đề chứ không phải là những mầu nhiệm. Chỉ có con người mới là mầu nhiệm.

Con người có thể là đối tượng của hiểu biết khoa học, như sinh lý học, tâm lý học, xã hội học, triết học…Nhưng con người vẫn chỉ thực sự biết nhau nhờ tâm sự cho nhau. Có ‘nói bụng mình ra’ với nhau thì mới biết được bụng của nhau. Đúng vậy, có tâm sự cho nhau mới biết được bụng nhau, nhưng cái biết này cũng chỉ là tương đối thôi. Vì có muốn tâm sự hết mình đi nữa thì cũng không thể làm sao chia sẻ cho người khác biết về mình như mình tự biết mình được, bởi vì chính mình cũng không thể biết mình một cách tỏ tường được. Bên cạnh đó, người tâm sự không bao giờ nói ra được hết ý lòng mình, do bởi ngôn ngữ luôn hạn hẹp. “Ý tại ngôn ngoại” là thế. Nhưng những gì ở ngoài ngôn ngữ lại vô phương nắm bắt cho hết hay cho đúng được.

Mặt khác, người nghe tâm sự không thể nào nhận được hết, không thể nào thấu hiểu được hết những gì mình nghe. Mỗi con người là một thế giới độc đáo, hoàn toàn độc nhất vô nhị, với tâm lý riêng, khả năng cảm nhận riêng, kinh nghiệm sống riêng. Giữa hai con người không thể có hiện tượng cùng một tần số y chang như giữa một đài phát thanh và một đài thu thanh để có thể truyền thông cho nhau trăm phần trăm. Có biết bao nhiêu yếu tố khác biệt để làm nhiễu vấn đề tâm sự, để giới hạn sự cảm thông giữa những người thân thiết nhất, tri âm nhất và tri kỷ nhất. Kẻ đang buồn làm sao cảm nhận được tâm sự của người đang vui? Vợ là thi nhân làm sao cho chồng là kỹ sư nhìn ra chiếc cầu tre lắt lẻo y như nàng thấy? Thật vậy, con người là một mầu nhiệm !

Con người là một mầu nhiệm đối với nhau đã đành, nhưng con người cũng là một mầu nhiệm đối với chính mình nữa ! Không ai có thể ‘đi guốc trong bụng’ của chính mình. Không ai biết được tường tận hay chính xác bụng mình như thế nào. Nguyên từng cử chỉ, hành vi tầm thường nhất của mình, con người không thể đánh giá được nó tốt xấu thế nào thực sự. Nếu tốt thì tốt về mặt nào, đến mức độ nào, còn xấu thì xấu đến đâu, xấu về khía cạnh nào? Ví dụ, vừa cho người hành khất gặp bên lề đường 5 đô la, đợi vài phút sau, cứ thử đánh giá lại cử chỉ bác ái đó xem sao. Vì thương cảm chăng ? Hay để khỏi bị quất rầy ? Hay vì có nhiều người đang nhìn mình ? Hay do thói quen máy móc ? Động lực nào thực sự duy nhất đúng ? Khó biết được chính ta !

Chúa Giêsu đã ‘tâm sự’ cho chúng ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Hôm nay chúng ta kính mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là chúng ta mừng sự kiện Thiên Chúa đã thương tâm sự cho chúng ta được diễm phúc biết Ngài. Ngài đã tâm sự cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc : Ngài là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau trong cùng một bản tính duy nhất. Hơn nữa, hôm nay chúng ta cũng kính mừng hồng ân tự thuở ban đầu khi tạo dựng con người, Ngài đã ban cho chúng ta được làm con cái Ngài và nhất là được chia sẻ sự sống của Ngài. Ý nguyện thích hợp nhất khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là lời chúc nguyện của thánh Phaolô (2 Côrintô, câu kết) cũng là lời chúc nguyện của Giáo Hội khi mỗi Thánh Lễ bắt đầu : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu KiTô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” Sống trong ân sủng của Chúa Kitô và nên một với Ngài là sống tình hiếu thảo với Cha trên trời và sống tình anh chị em với tha nhân. Mỗi hành động yêu thương, phục vụ đích thực đều góp phần sửa lại khuôn mặt của Giáo Hội để nhờ đó thế gian ngắm được vẻ đẹp của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Linh mục Phạm Quang Hồng.sưu tầm

LÁ THƯ MỤC VỤ 1206022.docx