(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Không khí buồng 9 khu BC khám lớn Chí Hoà vẫn còn ngột ngạt khi tôi bị tống vào đó. Tôi còn nhớ rõ những ánh mắt kinh hoàng của những người tù vừa chứng kiến một vụ ‘hành hình’ kinh tởm nhất trong đời tù của họ. Phảng phất đâu đây vẫn còn mùi tanh của máu. Ít ngày trước khi tôi bị nhốt vào đó, một em tù hình sự bị tên trưởng phòng ra lệnh cho đám đồ đệ của hắn xử tử hình chỉ vì em đã phạm một lỗi không thể tha thứ được chiếu theo ‘luật của giới giang hồ’. Chúng nó đã thi hành bản án giữa đêm khuya khi em và mọi người đang ngủ. Cũng may, lúc tôi vào buồng đó thì đám ‘đầu gấu’ ấy đã bị chuyển đi đâu không ai biết. Những bạn tù kể lại rằng chúng đã đè ‘phạm nhân’ ra mà dùng cái quai sô bằng sắt đã uốn thẳng rồi mài nhọn mà thọc lên người em như các bà nội trợ xăm một củ gừng trước khi làm mứt vậy. Lúc cai tù xông vào buồng thì xác của em đã thủng hơn năm chục lỗ ! Em phạm tội gì mà phải chết kinh hoàng vậy ? Chỉ một tội thôi, dù hành động của em không đáng gọi là một tội theo đúng nghĩa của nó : đó là em đã sơ ý ngồi vào chỗ dành riêng cho tên trưởng phòng !

Alexandre Đại Đế của Hy Lạp vào thế kỷ thứ IV trước công nguyên chẳng những nổi tiếng là một thiên tài về quân sự mà còn là một quân vương biết kính trên nhường dưới. Trong một trận tấn công vào mùa đông, tuyết phủ tứ bề. Giữa cái lạnh như cắt ấy, ông sai binh sĩ nhóm lên một đống lửa trong lều của ông để sưởi ấm. Đang khi ngồi sưởi ấm bên đống lửa, ông bỗng thấy từ xa có một người lính già đang run rẩy lập cập dưới tuyết rơi. Tức khắc, ông ra khỏi lều, tiến về phía người lính già, cầm tay ông ta rồi dẫn về lều và đặt ngồi trên chiếc ghế chỉ dành riêng cho bậc quân vương. Người lính già do dự không dám ngồi lên chiếc ghế, Alexandre Đại Đế vừa mỉm cười vừa nói với các cận vệ như sau : “Đối với người Ba Tư, ngồi trên ghế của vua là một tội đáng chết, nhưng đối với ta, ngồi trên ghế của vua thì được cứu sống”. Alexandre Đại Đế đã đối xử với người khác không giống tên trưởng phòng ác ôn ở buồng giam khám lớn Chí Hoà, không ‘oai’ bằng tên trưởng phòng chút nào !

Cử chỉ trên đây của Alexandre Đại Đế cũng được Đức Cha Helder Camera, một vị giám mục nổi tiếng của Châu Mỹ La Tinh lập lại. Tên tuổi của Đức Cha Helder gắn liền với đám dân nghèo hiện đang phải gánh chịu không biết bao nhiêu thống khổ vì những bất công xã hội tại lục địa nầy. Ngày nọ, Đức Cha Helder tiếp một số nông dân nghèo tại toà giám mục. Nhiều người vì không có đủ ghế để ngồi phải đứng trong phòng khách, trong khi đó chiếc ghế dành riêng cho giám mục thì không ai dám động đến. Thấy có một bác nông dân đứng gần chiếc ghế, Đức Cha Helder cầm tay người đó và dìu ngồi xuống chiếc ghế của mình.

Đối với Đức Cha Helder, một vị giám mục hết lòng sống chết cho người nghèo, thì hẳn đây không phải là một hành động khoe khoang hay có tính toán. Mà đó là một chọn lựa cơ bản của bất kỳ ai thật sự dấn thân cho người nghèo và đồng hoá mình với giai cấp cùng đinh ấy. Cử chỉ của Đức Cha Helder và Alexandre Đại Đế được người đời ca tụng như thể hiện một sự quan tâm cao độ đối với người nghèo. Nhưng đối với Chúa Giêsu, thì cử chỉ đó lại là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính đích thực. Chúa Giêsu, dẫu là Vua cả vũ trụ, không chỉ quan tâm và phục vụ người nghèo, mà Ngài còn tự đồng hoá mình với người nghèo.

Qua cung cách của Ngài, Chúa Giêsu đã đưa ra định nghĩa đúng đắn về quyền bính : quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ và phục vụ cho đến chết. Trong bữa Tiêc Ly, Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ như một người đầy tớ vậy. Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn một kiếp ‘đầy tớ’ và Ngài không ngừng nhắc nhở các môn đệ rằng : “Ai trong anh em muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ của hết mọi người.” Kitô-Hữu là người đã được xức dầu để trở nên một với Chúa Giêsu. Ngài là Vua của các vua mà chấp nhận sống kiếp đầy tớ, còn chúng ta sao cứ hay đòi làm chủ ? Ơn gọi của chúng ta chỉ được thể hiện qua sự quên mình phục vụ mà thôi. Từ chối phục vụ, bằng cách nầy hay cách khác và viện đủ mọi lý do, là chối bỏ ơn gọi làm Kitô-Hữu của mình. Tệ hơn hết, là khi chối bỏ như thế, chúng ta chối bỏ chính Chúa Giêsu, Đấng đã nêu gương phục vụ cho đến chết, Đấng đã hạ mình đồng hoá với mỗi người, nhất là những người cùng khổ. (Trích Lẽ Sống 2) Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV LỄ KITO VUA.pdf