LÁ THƯ MỤC VỤ
Trong cuốn tiểu thuyết xuất bản vào thập niên 50 với tựa đề “Nước Mắt Thiên Chúa”, tiểu thuyết gia người Áo đã đưa chúng ta đi thăm một thành phố diễm lệ sẽ xuất hiện vào cuối thế kỷ này. Đó là nơi mà tất cả những mơ ước, những mộng vàng của nhân loại từ xưa đến nay sẽ trở thành hiện thực. Tất cả cư dân trong thành phố ấy đều được sống yên ổn, dư dật, tiện nghi, an lạc và bình đẳng không trừ một ai. Trong thành phố ấy sẽ không còn những hang cùng ngõ hẻm, sẽ không còn kẻ thiếu ăn, sẽ không thấy những hành khất. Dân chúng mặc toàn nhung lụa, nhà nhà đều chen lẫn giữa cỏ lạ hoa thơm. Chắc chắn đó là một ‘Địa đàng mới’ của con người.
Địa đàng này sẽ là công trình riêng của loài người chúng ta, nhờ khoa học tiến bộ, kỹ thuật phát triển đến tột bực, chọc ‘thấu trời’ như tháp Babel đã dự tính, nhưng lần này không dở dang như tháp Babel trong thời Cựu Ước. Nếu cần, chúng ta sẽ cho nhập khẩu vàng bạc, kim cương và bất kỳ thứ gì từ cung trăng, từ Hỏa tinh, Kim tinh hay từ mãi những vì sao xa xôi nhất. Con người sẽ không thiếu gì hết để xây dựng và bảo trì cái thành phố gọi là ‘Địa đàng’ ấy, khiến cư dân cảm thấy như đang nếm trước ‘Thiên đàng’ mai sau vậy.
Nhưng cũng vì thành phố địa đàng này hoàn toàn do tự tay con người làm ra và chỉ một mình con người tổ chức mọi thắng lợi ở đó, cho nên mặc dầu là ở cuối thế kỷ 20 hay cuối thế kỷ 30 vẫn mãi mãi tồn tại một cái gì như bóng đen đeo bám hạnh phúc của con người và con người dù có tài trí đến đâu, tiến bộ đến đâu cũng không làm sao chống cự lại nổi. Thế là, để tự yên ủi mình, chúng ta sẽ dựng bảng cẩn chữ bằng vàng ròng ở mọi góc đường, đăng những dòng yết thị thông báo như sau: “Xin lưu ý quý du khách từ các hành tinh khác đến tham quan thành phố chúng tôi: Cái chết là người bạn thân nhất của tất cả chúng tôi; cái chết là công dân danh dự và cũng là công dân đệ nhất đẳng của thành phố này với tinh thần dân chủ trăm phần trăm, bởi vì cái chết đối xử hoàn toàn bình đẳng với tất cả các công dân ở đây, tuyệt đối không thiên vị ai, và trước sau như một, cứ như vậy từ xưa đến giờ và mãi mãi đến muôn đời sau: Công dân danh dự của chúng tôi muôn năm!”
Cái chết có được tung hô ‘muôn năm’ thì con người, vâng, từng con người vẫn không sống được muôn năm. Chẳng thay đổi được gì khi chúng ta tự lừa mị chính mình như thế, cho dẫu có bằng những nét chữ vàng son đi nữa. Hễ làm người là phải chết. Người nào cũng phải chết. Năm 2021 sau công nguyên cũng như năm 2021 trước công nguyên. Nhất là đối với những ai đã tin nghe Lời Chúa, không phải cứ được tiếng là sẵn trăm phần trăm tinh thần dân chủ là cái chết có thể ngụy trang, che dấu đi được bộ mặt thật của mình. Kể từ ngày tổ tông phạm tội, đoạn tuyệt với Thiên Chúa Hằng Sống thì loài người đã chỉ còn lại số kiếp là ‘bụi đất’ để rồi ‘sẽ trở về với bụi đất’. Bình đẳng trước cái chết là bình đẳng trước cái hố chôn mà loài người đã tự tay đào cho mình. Đó là cái chết cho cả xác lẫn hồn, vì cái chết phần xác mới chỉ là dấu hiệu cho cái chết bi đát hơn: đó là cái chết phần hồn. Con người khước từ và mất đi cuộc sống tình nghĩa – ân sủng Thiên Chúa đã thông ban cho.
Trong cuộc sống cơ cực và đói khổ của người tù (cách riêng dưới chế độ Cộng Sản), điều ám ảnh đen tối nhất là ngày chết. Dẫu biết rằng đời người ai cũng phải chết, nhưng cái chết cô đơn không một người thân bên cạnh vuốt mắt thì đúng là một sự lìa đời bất hạnh nhất. Cái chết chắc chắn sẽ đến với hết mọi người không trừ ai, vậy mà ai cũng sợ chết nhất là phải chết trong tù. Cá nhân tôi có một thời gian dài làm lao động gần bệnh xá của trại nên có nhiều lần vào viếng xác những anh em mới qua đời nhất là để được vuốt mắt những vị đó. Nhìn gương mặt họ bình yên như đang chìm trong giấc ngủ, tôi có cảm giác ngược lại y như các vị ấy đang thương hại cho tôi vì tôi vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng những gian khổ của kiếp tù, còn các vị ấy thì đã được ‘giải thoát’ khỏi chốn cực hình trần gian này rồi và họ đang tung cánh bay vào bầu trời tự do lồng lộng. Hiểu như thế thì đối với các tù nhân, cái chết không còn mang một màu đen tối ảm đạm thê lương nữa.
Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh ‘ngày tận thế’. Đây là vấn đề mà nhân loại từ xưa đến nay thường hay khắc khoải suy tư. Riêng đối với các Kitô Hữu, ngày tận thế không nhất thiết phải là một ngày khủng bố, đầy nỗi kinh hoàng sợ hãi, nhưng là một ngày hy vọng và mừng vui cho những ai trung thành với Chúa. Vì Tin Mừng cho thấy ngày tận thế cũng là ngày quang lâm, tức là ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai trong vinh quang. Mỗi lần nhớ lại thời gian ở tù, tôi nhận ra rằng: “Nếu chúng ta sống bình thường, tuân theo giáo huấn của Chúa, gắn bó mật thiết với Ngài, và phó thác vào tình yêu quan phòng của Ngài, thì ngày giờ tận thế hay phút giây tận mạng không còn là điều kinh hoàng nữa, nhưng lại là ngày hy vọng và là ngày đoàn tụ gia đình cho tất cả con cái Chúa được sum họp với Cha Trên Trời. Linh mục Phạm Quang Hồng.