LÁ THƯ MỤC VỤ
Ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hẳn còn để lại nhiều âm vang trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cứ giữ lấy hình ảnh về Đức Mẹ lúc này đang thông phần hạnh phúc Chúa ban trên trời, để hiểu rõ các bài đọc Kinh Thánh hôm nay. Bài đọc 1 không mô tả trước hạnh phúc chung cuộc dành cho mọi dân tộc đó sao ? Để đạt được hạnh phúc ấy, tức là được vào Nước Trời, bài Tin Mửng hôm nay bảo chúng ta phải đi qua cánh cửa hẹp. Và kiểu nói này được bài đọc 2 giải thích để chúng ta biết ‘đi qua cửa hẹp’ tức là chấp nhận đi vào con đường nhiều thử thách, gian lao và phấn đấu. Đó là quan niệm không có gì mới mẻ, hầu như ai cũng biết, nhưng vấn đề là có muốn đem ra thực hành hay không, và vì thế, chúng ta cần phải suy nghĩ thật thấu đáo.
Lời mời gọi ‘đi qua cửa hẹp’ không phải là chuyện có thể trì hoãn nghĩa là để mai mốt rồi tính. Trái lại, việc này phải luôn gấp rút vì ta không biết ngày nào giờ nào ta chấm dứt cuộc đời chóng qua này. Hơn nữa, ta chỉ sống có một lần trên đời mà thôi, nên ta cũng chỉ có duy nhất cơ hội này thôi ! Một khi đã nằm nhắm mắt lìa đời, thì cuộc sống khép lại và định mệnh của một cá nhân được niêm ấn, không thể thay đổi gì nữa ! Đúng vậy, ta không còn bất kỳ cơ hội nào để thay đổi dù chỉ một chi tiết nhỏ, mà chỉ còn đối diện với phán quyết về số phận đời đời của mình mà chính mình đã tạo ra. Ôi ! Nghĩ cho thấu đáo thì thấy sợ hãi thật !
Lời mời gọi ‘đi qua cửa hẹp’ giúp ta có cái nhìn tổng quát về đời người. Khi chào đời, bất kỳ ai cũng được sinh ra trần truồng (cả về vật chất lẫn tinh thần). Nhưng rồi, trong cuộc hành trình dương thế , ta dần dà chiếm hữu và tích lũy nhiều thứ (cũng cả về vật chất lẫn tinh thần). Về vật chất, có thứ cần thiết và có thứ không cần thiết; có thứ chỉ dùng cho một giai đoạn nào đó và có thứ hữu dụng lâu dài; có thứ tốt và cũng có thứ xấu. Xét về tinh thần, bản thân mỗi người ngày này qua ngày kia tiếp nhận biết bao tư tưởng từ bên ngoài vào tâm hồn trí não của mình. Có những tư tưởng cần thiết, có những tư tưởng không cần thiết; có tư tưởng tốt cũng có tư tưởng xấu. Chính vì có quá nhiều thứ hành trang như thế, nên càng sống lâu, ta càng nghiệm thấy cuộc đời chứa đựng quá nhiều rắc rối. Trong cơn lốc mãi mê truy tìm và chiếm hữu như thế, ta khó lòng tìm được những giây phút bình an hạnh phúc, huống chi là thứ hạnh phúc đời đời mai sau.
Chính vì thế mà có lần Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ của Ngài là hãy trở nên như trẻ em thì mới có thể vào được Nước Trời. Thật vậy, Nước Trời là hạnh phúc vĩnh cửu ngay ở đời này lẫn đời sau. Chỉ có những tâm hồn không ưu tư, phiền muộn, sống phó thác cho tình yêu Chúa thì mới có hạnh phúc ở đời này và đời sau. Cũng như trẻ em hoàn toàn phó thác mọi sự cho cha mẹ, luôn tin tưởng vào tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ nên chúng lúc nào cũng sống an vui và hạnh phúc.
Trước một mớ hành trang cồng kềnh và nhiêu khê như thế, lời mời gọi ‘đi qua cửa hẹp’ có ý nghĩa là lời thúc giục ta hãy dám vất bỏ những gì không cần thiết và hãy tổ chức lại một cuộc sống cân bằng để có thể cảm nghiệm hạnh phúc Nước Trời ngay ở đời này cũng như chuẩn bị cho đời sau. Nên nhớ rằng dù muốn hay không, đến một lúc nào đó, vào buổi xế chiều của cuộc sống, ta sẽ nghiệm thấy những thứ vật chất cồng kềnh mà ta đã hao tâm, tổn trí để tạo lập sẽ dần dà vuột khỏi tay ta mà sang tay kẻ khác. Đến một lúc nào đó, ta sẽ là kẻ tay trắng và lìa đời cũng trần truồng y như lúc chúng ta được chào đời vậy.
Chính vì thế mà lời khuyên ‘đi qua cửa hẹp’ là lời mời gọi ta tu chỉnh lại cuộc sống. Tu chỉnh là gọt bớt những gì thừa thãi và sửa lại ngay ngắn những gì lệch lạc, cong queo. Chúa không bảo ta phải vứt bỏ hết vật chất, nhưng là sử dụng vật chất theo con đường đúng đắn; đừng để vật chất lôi kéo ta vào con đường lệch lạc như ích kỷ, tham lam, gian dối, ghen tỵ và bất công…hoặc tệ nhất là để cho vật chất biến ta thành một thứ nô lệ, chỉ biết kiếm tiền rồi dùng tiền đó mà vui chơi sa đọa, không còn biết lựa chọn con đường nào tự do hơn.
Suy nghĩ về hình ảnh ‘cửa hẹp’ như trên, giúp ta sắp xếp lại cuộc sống của chính mình và nên tiến hành ngay bây giờ chứ không thể trì hoãn nữa. Xin cho ta biết đặt Chúa làm trung tâm và Lời Hằng Sống của Ngài làm kim chỉ nam cho đời sống của mình hầu cuộc sống của ta phù hợp với đường lối của Chúa. Có như thế ta mới tìm được hạnh phúc thật ngay ở đời này chứ không phải đợi chờ đến đời sau.
Sau cùng, theo tôi hiểu, ‘cửa hẹp’ là những đòi hỏi của đời sống đức tin, là chọn lựa những gì thuận theo thánh Ý Chúa, là chọn cách sống làm sao mà mỗi ngày một trở nên giống Chúa Giêsu hơn.
Linh mục Phạm Quang Hồng.