(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ
Nội quy của các trại giam cộng sản đều nghiêm cấm việc “mua bán đổi chác” giữa các tù nhân, thế nhưng, trớ
trêu thay, trên thực tế không điều gì xảy ra giữa các tù nhân mà lại không có “mua bán đổi chác”. Thực tế trong
tù không có ý niệm về chữ “free” nghĩa là không có thứ gì “cho không” cả ! Kể cả bài ca “Tình cho không biếu
không” cũng không hề nghe hát trong tù ! Luật trại cấm mua bán đổi chác nghiêm khắc bao nhiêu thì các tù
nhân cũng rất nghiêm chỉnh trong việc mua bán thật sòng phẳng bấy nhiêu. Thượng vàng hạ cám, từ cây kim
sợi chỉ đến chiếc chiếu hay đôi dép râu, từ cục đường đến ‘bi’ thuốc lào…Tất cả đều được đem ra đổi chác !
Tôi thấy một em tù hình sự đem đổi một chiếc áo tù vừa mới lãnh về để lấy 10 ‘bi’ thuốc lào 3 số 8, hút ‘phê’
đến nỗi nhủi đầu vô đống lửa ; có anh ở đội nông nghiệp đổi 2 con nhái to bằng ngón chân cái lấy nửa lon gạo ;
anh khác đành đổi 2 phần cơm để có cái sô nhựa chứa nước ; một anh ở đội mộc đổi 1 cái đinh 5 phân lấy 1
điếu thuốc Vàm Cỏ (nên biết rằng trong tù cây đinh cũng thuộc diện ‘nhu yếu phẩm’ vì sẽ được mài giũa để trở
thành cây kim khâu vá)….Kẻ có của thì lấy của đổi của, người không có của thì lấy công đổi của, tôi và những
anh em thuộc đám mồ côi nằm trong nhóm thứ hai nầy. Một thời gian ở trại A 20, tôi “làm ăn trúng mánh” lắm.
Nhờ một số anh em biến cây đinh thành chiếc kim khâu nên nhiều người nảy ra ý thêu tên những người thân lên
áo, thế là mỗi lần dùng kem đánh răng pha loãng viết tên theo yêu cầu là tôi được một ít đường hay 1 củ khoai,
tôi dùng ít khoai để tìm ‘mua’ thêm kem đánh răng hầu làm ăn lâu dài hơn. Ngày nào đi đào ao về tôi cũng nhận
được ‘đơn đặt hàng’ cả, công việc làm ăn lên như diều gặp gió vậy ! Để có chỉ mà thêu, người tù rút sợi từ
những vải trắng hay đen, sau một thời gian lại có ý kiến phải thêu bằng chỉ màu mới đẹp. Thế là ‘xí nghiệp’ của
tôi lại phất lên hơn nữa, vì tôi vẫn còn giữ một chiếc khăn tắm ‘made in France’ Nhà Dòng cho tôi mà tôi mang
theo ra nông trường thuỷ lợi Phú Hữu để dùng, mầu mè đẹp khỏi chê ! Đương nhiên tôi trở thành ‘nhà cung cấp
chỉ màu’ độc quyền cho đến khi chiếc khăn hoàn toàn biến mất. Sau giai đoạn thêu tên thì bắt đầu thêu rồng
thêu phụng thêu hoa thêu lá…Thợ vẽ cũng bận rộn hơn mà chỉ màu cũng đắt giá hơn. Đời cứ thế mà lên hương.
Đời tù của tôi tiếp tục thăng tiến sau khi đội lâm sản tìm ra xác một chiếc trực thăng UH-1 bị bắn rơi trong
rừng. Số lượng nhôm “Dura” được cắt ra và tuồn về trại và đội rèn có nhiều việc làm hơn. Chủ yếu là họ gò
những vỏ bình thủy cho các cai tù, dĩ nhiên là phải khắc hay chạm lên những chiếc vỏ ấy mới tăng thêm giá trị.
Từ đó tôi có thêm nghề vẻ lên vỏ bình thủy, nào là lưỡng long tranh châu, nào là tứ quý như mai lan cúc trúc,
hay ngư tiều canh mục, hay long lân qui phụng…Những mảnh nhôm lớn thì gò vỏ bình thủy còn những mảnh
vụn thì làm kẹp tóc và làm lược chảy đầu. Tôi tha hồ mà vẻ ! Giai đoạn sau khi tôi bị rơi xuống giếng rồi bị liệt
nằm một chỗ, tôi chẳng những vẻ mà còn khắc lên kim loại, nhiều lúc ‘jobs’ chồng chất làm không xuể !
Ở đời hễ “Hòn đất ném đi thì hòn chì ném lại” và “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, chỉ có Chúa Giêsu là không
có óc kinh doanh và máu làm ăn như vậy. Cái gì Ngài cũng cho không, chẳng bao giờ Ngài đòi thù lao. Giả sử
lúc phát bánh và cá cho 5 ngàn đàn ông (chưa kể phụ nữ và trẻ em) ăn no nê, giá mà Chúa bảo các Tông Đồ bán
dù chỉ bằng1/3 giá thị trường thôi, thì Chúa cũng thu vào khối tiền để nuôi các người đi theo Chúa, nhưng Chúa
không làm như vậy. Đã cho không Chúa lại còn cho dư, hốt những gì còn sót lại đã đầy 12 thúng ! Rượu hảo
hạng ở Cana, Chúa cho không ; hai thuyền đầy cá đến độ gần chìm, Chúa cũng cho không ; cho con trai bà goá
thành Naim sống lại, Chúa cũng làm vì thương yêu ; chữa người cùi, người mù, người bại liệt và cả người bị quỉ
ám, Chúa cũng không đòi sự báo ơn. Chúa Giêsu là “Bánh ban sự sống” và bánh nầy Chúa cho không, để
những ai đến mà ăn thì được sống muôn đời. Vì thế mà chúng ta thường nghe “…phúc cho ai được mời đến dự
tiệc Chiên Thiên Chúa”. Mọi thứ chúng ta nhận từ Chúa cách nhưng không, vậy mà chúng ta lại có khuynh
hướng tính toán so đo khi phải trao tặng cái gì cho người khác. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời “Anh em hãy lo cho
họ ăn” và Chúa vẫn lên tiếng hỏi : Anh em có mấy chiếc bánh ?”
Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV CN XX TN B.pdf