(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Chúng ta vừa cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta”. Liền sau đó, Giáo Hội cử hành Lễ Hiển Linh, Lễ Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại mà Ba Nhà Đạo Sĩ từ Phương Đông đại diện cho chúng ta cất bước lên đường tìm đến. “Họ đã gặp thấy Hài Nhi và Đức Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11).

Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Tức là sau Ba Mươi Năm sống đời ẩn dật, nay Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với phép rửa tại sông Giođan bởi tay Gioan. Như thế, từ Lễ Giáng Sinh, đến Lễ Hiển Linh và đến Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, nếu tính theo thời gian thì đúng 30 năm. Trong quãng thời gian này, chúng ta không biết nhiều về Chúa Giêsu, ngoài đời sống ẩn dật của Người trong gia đình, học tập và lao động, vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Nhiều người thường hỏi: Tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa? Thưa bởi vì, khi Gioan làm phép rửa cho dân chúng, để giúp họ sám hối và cầu xin ơn tha tội, thì Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám đông trong cùng dòng sông Giođan, với những con người có tội để sám hối thay cho loài người đang cần sám hối để được tha thứ.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo Hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên, là Mùa Phụng Vụ cử hành các Mầu Nhiệm cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới, mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong Chúa Giêsu, nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta, nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha với cả nhân loại. Vì thế, mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng thực hiện những điều đã hứa khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, là từ bỏ ma quỷ, xa lánh các dịp tội và tin vào Thiên Chúa, như thế chúng ta mới có thể đón nhận mọi ơn lành Thiên Chúa ban và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

Trong tâm tình đó, giây phút đất trời giao hòa, giây phút linh thiêng mà cả toàn cõi nhân loại đã nhận biết Thiên Chúa, và Thiên Chúa lại tỏ hiện cho con người nhận biết Ngài rất gần gũi, Thiên Chúa cùng hòa nhịp sống với con người bằng cách thể hiện tầm quan trọng của lời mời gọi của Gioan Tiền Hô, kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối bằng cách nhận phép rửa tội nơi dòng sông Giođan, để cùng nên một với Chúa Giêsu, đồng hình đồng dạng với Ngài khi nhìn nhận bản thân yếu đuối mỏng dòn, và để cùng sánh bước với Chúa Giêsu trong sứ mạng mà Chúa Cha trao ban.

Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội, bằng đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở nên Con Dân của Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận, bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín. Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân. Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống, qua việc sám hối hòa giải, để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.

Phép Rửa là cơ hội giúp chúng ta khám phá Mầu Nhiệm Ngôi Ba Thiên Chúa xuyên qua Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, và giúp chúng ta thông hiểu được con người tội lỗi mỏng dòn của mình. Chính phép Rửa là nhịp cầu nối kết chúng ta vào Thần Tính của Thiên Chúa trong con người thụ tạo bất toàn, mà chúng ta đánh mất khi Adam và Eva phạm vì tội bất trung với Thiên Chúa, đồng thời giúp chúng ta tái sinh trở thành nghĩa tử, là con cái, phục hồi phẩm giá của chúng ta cách trọn vẹn, từ đó chúng ta có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa ở đời này và đời sau. Mỗi chúng ta cần ý thức “đời sống mới” được lãnh nhận nhờ Bí Tích Thanh Tẩy. Đời sống mới này cần được tăng trưởng và lớn lên mỗi ngày, để hình ảnh của Chúa ngày càng rõ nét hơn trong ta. Liên kết với Chúa Kitô, mỗi người chúng ta có bổn phận làm cho hạt giống của sự sống đời đời nẩy sinh hoa trái ngay trong cuộc sống này.

Lm Nguyễn Kim Sơn

LTMV LỄ CGS CHỊU PHÉP RỬA.pdf