Lúc miền Nam mới bị cưỡng chiếm, như số phận các giáo chức còn ở lại, tôi phải đi tham dự cái gọi là lớp ‘Bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên’. Trong những bài thuyết trình, tôi nghe họ ra rả tố cáo thực dân Pháp thật thâm hiểm và tàn ác khi áp dụng chính sách chia rẽ mà cai trị dân ta. Ít lâu sau, chính họ còn tệ hại hơn khi ban hành chính sách ‘Nhu yếu phẩm’ và ‘Sổ hộ khẩu’ mà cai trị. Ai cũng phải có ‘Hộ khẩu’, không có thì không làm ăn gì được, không ở đâu được. Có ‘Hộ khẩu’ thì mới có ‘Sổ nhu yếu phẩm’ để mua gạo mà sống .
Tôi nhớ hồi đó có hai loại hộ khẩu : ‘Hộ khẩu tập thể’ và ‘Hộ khẩu gia đình’, vậy mà chúng tôi lại thuộc về ‘Hộ khẩu tôn giáo’ vì sống với nhau trong một tu viện. Mỗi hộ có một chủ hộ chịu trách nhiệm về hộ của mình. Ai được cư trú ở đâu thì phải ở đó, không được đi thăm ai rồi ngủ ở đâu mà không trình báo! Công an đến khám nhà thiếu hay dư người đều bị coi là phạm pháp ! Ở mỗi khu phố nhỏ có một ông hay bà tổ trưởng và một công an khu vực. Anh công an khu vực ngày đêm lẩn quẩn với dân phố , anh muốn vào nhà ai, vào bất cứ đêm ngày, lúc nào cũng được. Anh có nhiệm vụ giám sát và báo cáo với đồn công an về mọi sự việc trong khu vực của anh. Không ai qua được cặp mắt ‘cú vọ’ của anh. Quả là lợi hại ! Giấy tờ gì cũng phải qua tay anh. Anh thúc đi họp tổ hay họp khu phố khó có ai mà trốn tránh được. Kết quả là ít người dám vi phạm vì bị rình mò quá kỹ. Nhờ chia nhỏ ra mà trị, nên người dân bị giám sát cả trong khi ngủ. Từ đó, không còn ai muốn đi thăm ai nữa !
Thăm viếng là một việc làm được bắt nguồn từ Phúc Âm : “Khi Ta ốm đau bệnh tật…khi Ta bị tù đày rã rời, các ngươi đã viếng thăm Ta”. Nhưng trên thực tế, ngày nay việc ‘thăm viếng’ hầu như đang chết dần chết mòn. Xưa kia, ít phương tiện liên lạc nên người ta đi thăm viếng nhau thường xuyên hơn. Ngày nay, vì chỉ cần nhắc cái điện thoại di động là liên hệ được nên không thấy cần phải thăm viếng chi cho mệt và mất giờ. Tuy nhiên, những cú ‘phone’ không thể nào có giá trị bằng việc viếng thăm. Khi ta đi thăm ai, ta thường nghĩ rằng đang làm một điều tốt cho đối tượng ta đến thăm, cũng đúng thôi nhưng thật ra không phải chỉ có vậy, mà chính bản thân chúng ta cũng hưởng được điều tốt hồi báo lại. Bởi bất kỳ khi nào ta mở tâm hồn ra để vươn tới tha nhân thì cũng chính lúc đó tâm hồn ta trở nên cởi mở hơn, sống động và yêu đời hơn. Khi nhìn thấy hoàn cảnh của người khác thương tâm hơn, ta sẽ nhận ra cái may mắn của mình. Khi thấy ai đó yếu đau hơn, ta mới trân trọng sức khoẻ mà mình đang có. Khi khám phá một đức tin của ai đó nồng nàn và mãnh liệt hơn đức tin èo ọt của chính mình, ta mới ý thức rằng mình cần phải khiêm nhường hơn. Mỗi khi cho đi thì lại nhận được nhiều hơn.
Chúa nhật I Mùa Vọng báo tin ngày Chúa đến. Chúa nhật II cho thấy sự dọn đường của thánh Gioan. Chúa nhật III nói về niềm vui nổi lên vì Chúa đến gần. Còn Chúa nhật IV, chúng ta biết nói gì khi thấy Mẹ của Chúa đến viếng thăm ? Chắc chắn Phụng vụ muốn chúng ta gọi Chúa nhật nầy là Chúa nhật của Đức Mẹ. Vừa được Sứ Thần Gabriel thăm viếng, vừa khiêm cung đáp trả ‘Xin Vâng’, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm viếng bà Êlisabet. Chúng ta có thể hiểu cả ba bài đọc trong Chúa Nhật nầy về Đức Mẹ cũng như về Chúa Giêsu.
Về Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế trong thân phận nhỏ bé và vâng phục. Về Đấng Cứu Thế đang đến với chúng ta nơi cung lòng Đức Mẹ cũng trong thái độ bé nhỏ và vâng lời. Phải chăng Phụng Vụ chẳng muốn cho chúng ta nghĩ rằng ‘Khiêm nhường’ và ‘Vâng lời’ là môi trường và là điều kiện để Ơn Cứu Độ của Chúa được thể hiện ? Và gần đến lễ Giáng Sinh, cũng như để chuẩn bị ngày Chúa đến trong vinh quang, thái độ của chúng ta há chẳng phải là sống khiêm nhường trước mặt Chúa và tuân giữ các giới răng của Người ?
Đặc biệt trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay, hãy sắp xếp thời gian để đi thăm viếng một ai đó mà ưu tiên phải là Chúa Giêsu Hài Đồng. Có những gia đình giữ truyền thống thật tốt là cha mẹ con cái dắt nhau đi thăm các máng cỏ trong các nhà thờ. Sau đó là thăm viếng những ai mà mỗi gia đình cảm thấy đã lâu lắm rồi chưa hề viếng thăm, hãy mang Chúa Hài Đồng đến tận những nơi sẽ thăm viếng như một món quà Giáng Sinh cao quý nhất và trân trọng nhất. Linh mục Phạm Quang Hồng.