(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Những ai chưa từng sống kiếp tù đày thường nghĩ rằng: Muốn yên thân trong tù thì cứ sống ù lì, nhắm mắt qua cầu, tới đâu hay tới đó…thu mình vào vỏ ốc đợi ngày được ra về. Không phải vậy đâu ! Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, chính tôi đã phải ‘thay đổi’ mỗi ngày, một sự thay đổi thật nhanh để thích nghi với hoàn cảnh mới, môi trường mới và những con người mới. Mỗi ngày phải học cách mưu sinh để biết từng loại cây cỏ thứ nào ăn được cho đỡ đói; mỗi ngày phải học cách quan sát để khám phá ra ‘tên’ nào làm ‘ăn-ten’; mỗi ngày phải học thêm cách giữ đầu óc tỉnh táo để không rơi vào muôn vàn loại bẫy mà cai tù giăng khắp nơi.

Càng lớn tuổi tôi càng nhận ra rằng: Do thân phận bị giới hạn mọi điều, cho nên bất kỳ thứ gì trong thế giới loài người cũng có khuyết điểm và lúc nào cũng cần phải cải tiến. Thật vậy, dưới gầm trời này chẳng có gì là tuyệt đối cả. Kể cả luật lệ, chẳng có luật nào tuyệt đối mà không cần thay đổi. Từ đó, tôi nhận ra rằng lời mời gọi sám hối của Chúa Giêsu mà Ngài nhắn nhủ mỗi người chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là điều rất cần thiết và rất thực tế. Vì mỗi người chúng ta đều cần phải thay đổi không ngừng để cải tiến chính mình.

Sứ điệp căn bản của Chúa Giêsu là : “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Xin đừng hiểu một cách hạn hẹp về chữ ‘Sám Hối’ chỉ liên quan đến tội lỗi mà thôi. Sám hối đòi hỏi chúng ta nhìn nhận ra tình trạng hiện tại là một tình trạng bất ổn, cần phải thay đổi để trở nên tốt hơn. Kế tiếp, sám hối đòi hỏi chúng ta phải thay đổi não trạng và lề lối suy nghĩ của mình. Cuối cùng là thực hiện đường lối mới để cải thiện đời sống bằng những việc làm tốt đẹp cụ thể hằng ngày.

Nhìn lại lịch sử dân Do Thái, dân chúng thời Chúa Giêsu cần phải sám hối và đặt niềm tin vào Ngài vì tình trạng cuộc sống của họ bất ổn. Rõ ràng lối sống đạo của giới trí thức đã bị lệch lạc nặng nề. Còn những người lãnh đạo tôn giáo thì tham quyền cố vị, mưu tìm danh lợi một cách tham lam ích kỷ, tạo ra những bất công trong xã hội. Dân chúng thì lầm đường lạc lối, đến độ Chúa thấy họ như đoàn chiên không có mục tử chăn dắt. Bởi vậy, Chúa mời gọi họ lắng nghe lời Ngài để thay đổi lối sống và nhất là để tin vào Ngài.

Hai chữ ‘Sám Hối’ thường khiến chúng ta dễ nghĩ đến tình trạng tội lỗi, cần ăn năn trở lại để thay đổi đời sống. Điều đó rất đúng nhưng còn quá hẹp hòi, vì việc sám hối không chỉ nhắm đến từ bỏ tội lỗi, nhưng còn có mục đích cao hơn là giúp ta thăng tiến cuộc sống. Có khi chúng ta không phạm tội lỗi chi nặng nề, nhưng đời sống của chúng ta còn rất ù lì, sống nhàm chán, thiếu ý nghĩa. Do đó chúng ta cần nhìn lại để sửa đổi.

Chúng ta vẫn có thể đọc kinh, tham dự Thánh Lễ đều đặn và làm nhiều việc bác ái. Nhưng có thể việc đọc kinh hay tham dự Thánh Lễ của chúng ta được thực hiện một cách máy móc hay nhàm chán. Cần sám hối để việc thờ phương Chúa có ý thức và mang nhiều ý nghĩa hơn. Nhiều người chúng ta có thể cầu nguyện mỗi ngày, nhưng chúng ta biết về Chúa rất ít vì thiếu học hỏi lời Chúa, nên chưa nếm được vị ngọt của tình thương mà Chúa rót xuống trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Về việc thi hành bác ái cũng vậy, tuy chúng ta vẫn làm việc bác ái cách quảng đại, nhưng sự hiểu biết về bác ái vẫn còn nông cạn. Bác ái không phải chỉ giúp tiền bạc hay cung cấp vật chất cho người nghèo khó. Có nhiều người không cần sự giúp đỡ vật chất, nhưng cần sự ân cần thăm viếng hay sự khuyến khích nâng đỡ. Cần sám hối để có cái nhìn về bác ái rộng rãi hơn vì bác ái là việc tìm cách đáp ứng nhu cầu của những anh chị em thiếu thốn về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất.

Tóm lại, việc sám hối không chỉ là ăn năn về tội lỗi rồi dốc lòng chừa, nhưng còn bao hàm cả việc làm tốt hơn mọi khía cạnh của cuộc sống hợp theo Thánh Ý Chúa. Bởi vì con đường nên thánh không bao giờ chấm dứt. Càng nên thánh bao nhiêu thì chúng ta càng được mời gọi để tiến lên hơn nữa. Con đường về Quê Trời vẫn mãi mãi tiếp tục bao lâu chúng ta còn sống trên trần gian này. Cuộc lữ hành của người tín hữu chỉ kết thúc với cái chết mà thôi. Tôi viết những hàng chữ này thì liên tưởng đến bác Phanxicô Xaviê Phạm Ngọc Sơn và bác Giuse Nguyễn Hiếu Thuận, cả hai bác đều vừa hoàn tất cuộc lữ hành trần thế theo Thánh Ý Chúa.

Năm cũ đã qua, năm mới lại đến, hãy tự vấn lương tâm xem trong Năm Quý Mão này cách cư xử của chúng ta đối với anh chị em xung quanh có gì cải tiến hơn năm ngoái không ? Lời ăn tiếng nói của chúng ta với những người thân yêu trong gia đình có dịu dàng và ngọt ngào hơn năm ngoái không ? Cuộc sống đức tin của chúng ta có linh động và tràn đầy ý nghĩa hơn năm ngoái không ? Tha nhân có nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu tỏa hiện trên gương mặt của chúng ta rõ nét hơn năm ngoái không ? Và chính cá nhân chúng ta có tiến đến gần Chúa Giêsu và sống thân mật với Chúa hơn năm ngoái không ? Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 2201023.docx