LÁ THƯ MỤC VỤ
Một ngày của người tù luôn luôn bắt đầu bằng việc “điểm danh sáng” và kết thúc bằng việc “điểm danh chiều”. Việc điểm danh được tiến hành như sau : Các cai tù mở cửa buồng giam và bước vào bên trong, tù nhân xếp hàng với y phục chỉnh tề (gồm quần đùi và áo thun, không được ở trần), khi có lệnh của trưởng phòng thì bắt đầu đọc tên thật to theo thứ tự chỗ ngồi : Một Khánh, hai Nhường, ba Dương, bốn Trực, năm Tân, sáu Hồng…Đang lúc điểm danh phải giữ im lặng tuyệt đối và giữ nguyên vị trí cho đến khi các cai tù khám một vòng rồi bước ra. Mỗi ngày họ khám thật kỹ hai lần xem có đào tường, khoét vách hay cưa song sắt không.
Nên nhớ rằng buồng giam giống y như một cái lồng chim, phủ bên trên bốn bức tường là song sắt và kẽm gai. Và vì số lượng tù nhân quá đông nên phải nằm trở ngược đầu với nhau mới đủ chỗ (tù nhân gọi đùa là nằm theo tư thế Sumaco nghĩa là như hộp cá mòi vậy). Người tù còn không đủ chỗ nằm thì áo quần và các vật dụng linh tinh phải để ở đâu chứ ? Áo quần chả có bao nhiêu nhất là phải cuộn lại để làm gối nằm, nên không phải bận tâm. Nhưng các món được gia đình thăm nuôi gửi vào thì làm sao tránh không bị kẻ khác lấy trộm và nhất là không bị kiến xơi ? Phải công nhận kiến là kẻ trộm đáng sợ và đáng ghét nhất của tù nhân. Tù nhân có cách trị.
Lần đầu tiên bước vào phòng giam tập thể, tôi ngạc nhiên khi thấy hàng dãy túi treo trên tường rất ngay hàng thẳng lối, đó là các ‘kho’ thực phẩm của những người tù có thăm nuôi. Làm gì có đinh mà đóng vào tường, nhất là bị nội qui nghiêm cấm thì bằng cách nào mà treo những ‘kho’ thực phẩm quý báu ấy ? Khi nhận khẩu phần là một cục bột mì luộc (được gọi là ‘bánh bao’), người tù ngắt ra một chút bột rồi cho vào mồm mà nhai thật lâu, sau đó ép cục bột đã nhai lên một miếng vải vuông bằng hai lóng tay trông y như một miếng thuốc dán vậy, trên miếng vải ấy có cột một cái khoen bằng vải, sau cùng dán miếng vải ấy lên tường rồi chờ cho nó khô. Nếu làm đúng kỹ thuật như trên thì có thể chịu một gói nặng khoảng 8 ký lô ! Đúng là những ‘kho’ thực phẩm được treo.
Một lần điểm danh sáng, đang khi các cai tù còn khám vách khám tường, bổng có một tiếng nổ ‘bụp’ khá to vang lên từ một trong những nhà ‘kho’ nói trên. Tiếng nổ làm cho một nhà ‘kho’ động đậy và từ nhà ‘kho’ ấy có một thứ chất lỏng chảy ra, mà càng chảy ra thì cả phòng càng thơm phức mùi rượu chuối. Hoá ra đó là cái ‘kho’ của linh mục Tiến Lộc ! Thế là toàn bộ ‘kho thực phẩm’ của cha bị bày ra xem xét. Nguyên do tiếng nổ là nơi cái hũ bằng nhựa mà cha làm rượu chuối lên men mạnh quá làm bung cái nắp ! Khốn khổ là họ tịch thu luôn một hũ rượu ‘thuốc’ mà họ cho nhập vào tù vì cái nhãn hiệu ‘rượu trị thấp khớp’, thật ra đó là rượu lễ. Tệ hại nhất là sẵn dịp đó họ lục soát cả phòng và tịch thu thêm 5 hũ rượu chuối khác. Thế là từ đó cả phòng hết rượu !
Tù nhân phòng 2 khu B trại T4 không còn rượu chuối để nhắm nháp và các tín hữu thì không còn rượu nho để dâng Thánh Lễ , rõ ràng đời tù vốn đã đau khổ nay lại mất hẳn niềm vui vì cả phòng ‘đã hết rượu’ ! Ở tiệc cưới Cana, các thực khách cũng nghe một câu nói tương tự thốt lên từ Mẹ Maria : “Họ hết rượu !” Đám cưới chỉ mới là khởi điểm của một cuộc tình, ấy thế mà trắc trở đã xuất hiện, vui chưa trọn vẹn mà cái buồn đã ló ra, tội nghiệp cho đôi bạn trẻ quá. Thực tế cũng cho thấy nhiều cặp ngay trong ngày cưới đã bắt đầu cạn rượu.
Rượu có tác dụng kích thích làm cho con người hưng phấn và say mê. Tình yêu chân thật cũng khiến con người hưng phấn và say mê. Hết rượu : hết hưng phấn, hết say mê. Nhiều cặp vì quá mệt nhọc chuẩn bị những hình thức rình rang của một đám cưới thật phô trương nên cảm thấy như ‘hết rượu rồi’ vậy. Rồi cuộc sống hằng ngày 24/24 phô bày những nét chân thật nhất mà lâu nay bị giấu kín sẽ khiến hai con người mệt mỏi khi nhìn nhau. Đó là bước đầu của sự nhàm chán, mà nhàm chán sẽ sinh coi thường, coi thường sẽ sinh vô cảm, vô cảm sẽ đập nát hạnh phúc gia đình. Đức Mẹ rất tinh tế nhận ra gia đình nào thiếu rượu và vì yêu thương con cái nên lúc nào Mẹ cũng muốn giúp. Vấn đề là vâng theo lời nhắn nhủ của Mẹ hay không, đó là Mẹ bảo “ Hễ Người bảo làm gì, các con hãy làm theo”. Đó cũng là lời mà Hội Thánh nói với từng Kitô-Hữu vậy. Linh mục Phạm Quang Hồng.