LÁ THƯ MỤC VỤ Trong cuộc sống chúng ta cần sự giới thiệu, giới thiệu người nào đó vào một cơ sở công ty, hay giới thiệu họ đến gặp một người nào đó. Qua lời giới thiệu chúng ta có thể tạo nên mối tương quan với người được giới thiệu, và cả hai có một sự gắn kết gần gũi theo thời gian. Để gặp Chúa Giêsu, Gioan cũng giới thiệu Chúa cho hai môn đệ của ngài “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Khi nghe lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ rất băn khoăn tò mò về Con Người Giêsu, họ rụt rè đi theo Chúa tìm hiểu và muốn đến thăm nơi chốn của Chúa, và họ cũng chẳng biết bắt đầu câu chuyện làm sao. Sự rụt rè lúng túng một cách thật dễ thương, cho nên Chúa quay lại và bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi hai ông: “Các anh tìm gì thế?” Hai môn đệ đã không đi “tìm gì”, mà là tìm một “Con Người.” Họ đi tìm Đức Kitô. Họ mang nặng nỗi khát khao đi tìm một trái tim, một vị thầy “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Câu hỏi ấy là câu hỏi muốn hiểu, muốn tìm đến và muốn ở lại với Thầy. Một nỗi vui mừng khôn xiết ùa vào tâm hồn của hai ông, ý định của hai ông được Chúa Giêsu bày tỏ qua câu trả lời của Chúa rằng: “Hãy đến mà xem.” Nỗi niềm khát khao mà bấy lâu nay hai ông muốn đến thăm nơi chốn của Chúa, nay đã được đích thân Chúa mời. Ngài cùng sánh bước với hai ông trên một đoạn đường về tới nhà. Họ trò chuyện kết hợp thông giao trở nên gần gũi hơn, không còn sự xa cách giữa Chúa và hai ông. Niềm vui hạnh phúc đó lại được nhân lên gấp bội, khi hai ông được ở cùng, được sống cùng trọn vẹn cả ngày hôm ấy. Chúa kêu gọi các môn đệ, trước hết để họ “ở lại với Ngài” trong bầu khí huynh đệ thân tình, rồi Ngài mới sai họ đi thi hành sứ vụ. Yêu thương nhau là một dấu chỉ, là chứng từ cốt yếu, là đòi hỏi tiên quyết và đồng thời cũng là điều kiện cơ bản của người môn đệ Đức Giêsu “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Đi tìm con người Đức Kitô là theo Ngài, thuộc về Ngài, và ở với Ngài. Các môn đệ vui mừng hân hoan, họ muốn chia sẽ với người thân yêu của mình. Nên khi trở về, Anrê gặp em là Simon, nói với em về Đấng mà mình đã gặp và dẫn em đến diện kiến Chúa. Simon được Chúa đổi tên thành Phêrô. Một điều rất thú vị là: với tính cách của Phêrô, ông sẽ phản ứng, hay nói lên quan niệm của mình, nhưng ở đây Phêrô hoàn toàn thụ động. Một cuộc gặp gỡ, một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình, quả là một biến cố vô cùng quan trọng. Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, những ai đã gặp Người đều thay đổi dần cuộc đời mình. “Đến mà xem!” Bằng rất nhiều dấu chỉ, Thiên Chúa luôn xót thương, luôn kiên nhẫn mời gọi, luôn nhẫn nại chờ từng người đáp lại, tựa như Người Cha tốt lành trông ngóng đứa con hoang, biết ăn năn sám hối, đáp lời, mà quay trở về. “Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình”. Tại sao cuộc đời tôi chưa được biến đổi? Tôi vẫn sống với con người cũ, tội lỗi, ích kỷ, lười biếng? Tôi như chưa được “tái sinh”, chưa “gặp lại mình”, chưa “nối lại những mối dây huynh đệ” với những người khác? Ấy là dấu Đức Kitô chưa có mặt trong đời tôi. Đã gặp được Chúa là phải có một sự đổi đời. Bởi, sống đạo không phải là sống theo một điều gì, hoặc đi theo một ai khác, hơn là sống theo Đức Giêsu Kitô. Ngày nay Đức Giêsu vẫn còn đi qua và luôn sẵn sàng đón tiếp những ai tìm gặp Ngài. Gặp gỡ và gắn bó với Chúa Giêsu là mục đích tối hậu của người môn đệ. Sau đó những công việc mục vụ và rao truyền Tin Mừng sẽ là thành quả của việc gặp gỡ này. Do đó, sứ mệnh con người không phải là kiếm cho được nhiều tiền, cũng không phải là tìm kiếm một ước vọng sa xôi hão huyền. Sứ mệnh con người là nhận biết Thiên Chúa, để yêu mến và phụng sự Ngài. Người tu trì thể hiện tình yêu Chúa nơi cộng đoàn tu trì hoặc cộng đoàn dân Chúa. Còn giáo dân thể hiện tình yêu Chúa nơi mái ấm gia đình, nơi những người xung quanh. Hãy để tất cả mọi trái tim làm nên một khối tình yêu vĩ đại, dâng lên Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Chúng ta hãy cầu chúc cho nhau được thêm lòng tin vào Thiên Chúa. Vì ân huệ và quyền năng của Chúa, tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn và cộng tác của mỗi người chúng ta. Lm. Nguyễn Kim Sơn