(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Trong những ngày này, Lời Chúa trong các bài Tin Mừng tiếp tục trình bày cho chúng ta chân dung của Thánh Gioan Tẩy Giả, như là chứng nhân của Đấng Messiah. Nhưng khi Gioan xuất hiện rao giảng và làm phép rửa, mọi người đều ngỡ ngàng và tin Gioan là đấng phải đến, là đấng Messiah họ hằng mong đợi. Tuy nhiên Gioan không dùng uy tín và sự nổi tiếng của mình để nâng cao chính mình, ngược lại, Gioan đã dùng uy tín và tiếng tăm của mình để làm chứng và giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho người khác được biết và tin theo. Trước Khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai trước mắt dân chúng thì Gioan đã nổi tiếng và uy tín của ngài rất lớn. Uy tín của Gioan đã được chứng thực bởi chính đời sống của ngài. Đời sống đó đã làm chứng cho Gioan về những công việc ngài làm, và những lời ngài rao giảng. Gioan biết mình rất có uy tín và nổi tiếng đối với dân chúng, nên Gioan dùng chính uy tín đó để thi hành sứ mạng và làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Gioan không cậy vào uy tín đó để vụ lợi riêng cho mình, hoặc để lôi kéo dân chúng về phía mình, nhưng không Gioan đã dùng uy tín đó để mở đường cho Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến trong thế gian.

Chúng ta thường đặt câu hỏi Thánh Gioan Tẩy Giả có biết Đức Giêsu không? Thánh Gioan Tẩy Giả còn được gọi là Thánh Gioan Tiền Hô vì Ngài có sứ mạng đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài là con ông Gioakim và Bà Elizabeth, có họ hàng với Đức Giêsu. Vì những liên hệ đó, nên trước khi Đức Giêsu chịu phép rửa, chắc chắn Gioan đã biết về Người nhưng có lẽ Ngài chỉ biết về con người của Đức Giêsu chứ chưa biết về Thần tính của Người, nghĩa là Ngài biết chưa đầy đủ. Vì thế, Ngài không dám nhận bừa là đã biết, cho nên Ngài mới nói rằng “Tôi không biết Người”(Ga 1,31). Nhưng sau khi Thánh Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu, thì Thánh Nhân đã biết Người một cách đầy đủ, tường tận: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”(Ga 1,33). Vì thế, Ngài đã khẳng định rằng: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34).

Vì thế, Khi Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông liền nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Trong cuộc sống, rất nhiều lần khi chúng ta nhìn những anh chị em đang sống cùng và sống xung quanh ta. Chúng ta thường hay dừng lại ở những gì ta nhìn thấy bên ngoài như chị ấy không đẹp, chẳng giỏi cũng không giàu. Anh kia nói năng không lưu loát, tướng tá chẳng sang… mà quên đi hoặc chẳng nhìn thấu được vẻ đẹp và giá trị bên trong của anh chị em. Những người cùng thời Chúa Giêsu cũng thế, họ chỉ nhận ra Chúa Giêsu là một người làng quê Nadarét, là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, nhưng họ không nhận ra có một mầu nhiệm được ẩn giấu. Chúng ta cần xin Chúa dạy chúng ta biết nhìn, biết vượt qua những dáng vẻ bề ngoài nơi con người và trong mọi sự việc. Để như Gioan, ta có thể thấy được giá trị thật nơi một con người mà ta gặp gỡ. Điều mà chúng ta cần học hỏi nơi Gioan đó là sự khiêm nhường. Gioan có thể công nhận mình là Đấng Cứu Thế, Nhưng Ngài phủ nhận điều đó và khiêm nhường nhận mình “chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.” Rồi Ngài khẳng định: “Người đến sau tôi, cao trọng hơn tôi, tôi không đáng để cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 19-28).

Điều kế tiếp mà chúng ta cần học hỏi nơi Gioan đó là tấm chân tình khi Gioan nhìn nhận “Tôi làm phép rửa trong nước còn Người đến sau tôi làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 26.33). Gioan muốn cho con người thấy sự khác nhau giữa Phép Rửa của Thánh Gioan và Phép Rửa của Đức Giêsu. Phép Rửa của Gioan bằng nước, còn Phép Rửa của Đức Giêsu bằng Thánh Thần. Phép Rửa của Thánh Gioan chỉ kêu gọi người ta thống hối ăn năn tội chứ không tha tội, còn Phép Rửa của Đức Giêsu tha thứ tội lỗi. Phép Rửa của Gioan chỉ dừng lại ở lòng thống hối, Phép Rửa của Đức Giêsu là cửa ngõ để dẫn vào các Bí tích khác, nhất là cửa ngõ để dẫn con người vào Nước trời “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”(Ga 3,5). Điều đặc biệt hơn nữa là Gioan đã khẳng định “Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.” (Ga 1,34). Còn chúng ta giữa một xã hội gian dối lọc lừa, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, hận thù và coi nhẹ sự thủy chung, chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào được?

Ðức Thánh Cha Phanxicô gợi lên cho chúng ta câu trả lời: “làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì? nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm”, nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta, rằng bước theo Ðức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”

Ước mong sao mỗi người chúng ta hãy đem những ngọn lửa Đức tin mà chúng ta đã được thắp sáng đến cho mọi người. Các bậc làm cha mẹ hãy chiếu tỏa cho gia đình mình ánh sáng ấm áp của mùa xuân, đẩy lui những nóng nảy, giận hờn, cãi vã; nhất là hãy đem ánh sáng Lời Chúa vào gia đình mình, qua đời sống đạo đức, qua các giờ kinh sáng tối, qua những phút cầu nguyện trước và sau bữa ăn mỗi ngày. Các gia đình Công Giáo hãy trở nên ánh sáng cho các gia đình chung quanh, bằng cuộc sống chan hòa, chân tình, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Các bạn trẻ công giáo hãy đem ánh sáng của Chúa Kitô vào nơi làm việc, học tập, sinh hoạt, vui chơi, vào các cuộc tụ họp gặp gỡ. Có như thế các bạn sẽ làm cho xã hội này bừng sáng Tin Mừng của Đức Kitô. Cầu chúc cho mọi người luôn giữ cho ngọn lửa của Đức Kitô luôn cháy sáng trong cuộc đời của mình và đem ánh sáng của Chúa chạm đến những tâm hồn mà chúng ta gặp gỡ.

Lm. Nguyễn Kim Sơn

Lá Thư Mục Vụ Tuần II Thường Niên Năm A.docx